Nôn nóng trừng phạt Nga, Mỹ đang 'tự bắn vào chân mình'?

Bằng cách đóng băng dự trữ của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ đã vượt qua tất cả các 'lằn ranh đỏ' và làm suy giảm niềm tin vào đồng USD.

Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Nga đang khiến niềm tin vào đồng USD suy giảm. (Nguồn: Kurv.com)

Việc đóng băng dự trữ của một số quốc gia đang làm tổn hại tới sự ổn định kinh tế toàn cầu. Các động thái này cần được chấm dứt càng sớm càng tốt. Đó là tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Zhang Jun hôm 19/4, khi ông phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình ở Ukraine.

Theo ông Zhang Jun, việc tùy tiện đóng băng dự trữ ngoại hối của các quốc gia khác là hành vi vi phạm chủ quyền.

Đồng quan điểm này, trong cuộc phỏng vấn của đài Sputnik, chuyên gia Mei Xinyu, nhà nghiên cứu tại Học viện Thương mại Quốc tế và Hợp tác Kinh tế Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại, cho biết bằng cách đóng băng dự trữ của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ đã vượt qua tất cả các “lằn ranh đỏ” và làm suy giảm niềm tin vào đồng USD.

Trừng phạt nối tiếp trừng phạt

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và nhiều đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã phong tỏa dự trữ ngoại hối của Nga bằng đồng USD và đồng Euro.

Để đáp lại, Nga đã tìm cách đa dạng hóa tài sản của mình. Theo Ngân hàng trung ương Nga (BoR), đồng USD chỉ chiếm 10,9% tổng giá trị tài sản dự trữ của Nga. Để so sánh, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm 17,1%.

Tuy nhiên, khoảng 1/3 tổng số dự trữ của “xứ Bạch dương” là bằng đồng Euro. Do đó, việc Mỹ và EU đồng thời đóng băng tài sản Nga đã tạo ra nhiều vấn đề.

Trước hết, động thái này đã gây khó khăn cho những người nắm giữ các trái phiếu châu Âu (Eurobond) của Nga. Trong bối cảnh dự trữ của Nga bằng đồng Euro đã bị đóng băng vô điều kiện, dự trữ bằng đồng USD có thể được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ, song phải được Bộ Tài chính Mỹ chấp thuận trong từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, lần này, Bộ Tài chính đã thông qua quyết định đơn phương cấm Nga sử dụng đồng USD để thanh toán các nghĩa vụ liên quan. Đây là một hành vi “giễu cợt” và sẽ khiến các nhà đầu tư sợ hãi trước nguy cơ vỡ nợ sắp xảy ra ở Nga.

Tất nhiên, khi phải đối mặt với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như vậy, Nga có thể tuyên bố vỡ nợ vì không thể thực hiện các cam kết của mình đối với người nước ngoài. Về nguyên tắc, mọi quốc gia có thể từ chối thanh toán các khoản nợ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro nghiêm trọng về danh tiếng và những hậu quả kèm theo. Đó là những khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay trong tương lai.

Nga đang nỗ lực thực hiện các cam kết của mình đối với chủ nợ, bao gồm cả chủ sở hữu Eurobonds, để ngăn chặn kịch bản vỡ nợ. Tuy nhiên, phương Tây khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thanh toán các khoản nợ bằng đồng tiền quốc gia của mình.

Và đó là những gì đã được thực hiện. Sau khi nỗ lực thanh toán bằng đồng USD không thành công, Bộ Tài chính Nga đã trả cho các nhà đầu tư bằng đồng Ruble thay vì đồng USD, chuyển đổi khoản nợ 649 triệu USD sang đồng Ruble theo tỷ giá hối đoái ngày 4/4/2022.

Trên thực tế, những người nắm giữ Eurobond của Nga đã nhận được tiền, nhưng kết quả này đối với họ cũng không thể được gọi là tích cực. Giới đầu tư từ các quốc gia không thân thiện đã nhận tiền từ các tài khoản loại “C” của Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) của Nga.

Từ các tài khoản này, họ có thể trả thuế, tiền phạt và hoa hồng ở Liên bang Nga, mua trái phiếu cho vay của Nga nhưng chỉ có thể chuyển đổi đồng Ruble từ các tài khoản này sang ngoại tệ khi có sự cho phép của Bộ Tài chính Nga.

Về phần mình, Bộ Tài chính Nga cho biết, họ sẽ cho phép thực hiện các thủ tục này ngay sau khi nhận lại được nguồn vốn đang bị đóng băng của mình.

Mỹ đang ở thế "gậy ông đập lưng ông"?

Trong khi cố gắng gây thiệt hại cho Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng đã tác động tiêu cực đến công dân của họ: các chủ sở hữu trái phiếu châu Âu của Nga.

Tình hình này cho thấy các biện pháp trừng phạt không phải là một vũ khí có độ chính xác cao và sẽ bắn trúng mục tiêu. Thiệt hại rất nặng nề. Và quốc gia càng lớn thì thiệt hại càng lớn.

Trước đây, Mỹ đã sử dụng đồng tiền của mình như một đòn bẩy để gây áp lực lên các chế độ chính trị mà họ không ưa. Mỹ từng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ngân hàng Trung ương Iran. 1,9 tỷ USD thuộc về Iran được gửi tại Ngân hàng Citibank của Mỹ đã bị đóng băng.

Vào năm 2019, Mỹ đã phong tỏa tài sản của Venezuela trong nỗ lực nhằm gây áp lực lên chế độ của Tổng thống Nicolás Maduro. Năm 2020, Mỹ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt nhắm vào Ngân hàng trung ương Syria. Năm ngoái, Mỹ tiếp tục phong tỏa 10 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan được gửi tại nước này.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt quy mô lớn như vậy đối với Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ là một tiền lệ.

"Sau khi vượt qua 'lằn ranh đỏ' quan trọng này, Mỹ đã làm suy yếu độ tin cậy của đồng USD", Mei Xinyu, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói với đài Sputnik.

Vì sao Trung Quốc lo ngại?

Xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ trị giá hơn 1.000 tỷ USD, chiếm 3,68% tổng nợ công của Mỹ. Hơn nữa, Trung Quốc có gần 3.400 tỷ USD dự trữ ngoại hối, cũng là lớn nhất trên thế giới.

Do đó, nếu Mỹ có thể đột ngột đóng băng tài sản của nước khác một cách đơn phương, và theo đề nghị của họ EU cũng làm như vậy, thì độ tin cậy của “bộ đệm an toàn vốn” của Trung Quốc cũng bị nghi ngờ.

Tuy nhiên, chuyên gia Mei Xinyu cho rằng kích thước của “bộ đệm an toàn” có thể giúp Trung Quốc. Xét cho cùng, nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Trung Quốc, hành vi này chắc chắn sẽ làm rung chuyển toàn bộ kinh tế thế giới.

Mặc dù vậy, không nên quên rằng ngay cả Mỹ cũng không ngờ rằng châu Âu có thể thực hiện những hành động quyết liệt như vậy đối với Nga.

Mặc dù EU phụ thuộc vào năng lượng Nga hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng khối này vẫn sẵn sàng hy sinh cả tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội để ủng hộ các ý tưởng chính trị đối đầu với Nga.

Về mặt này, Trung Quốc, với tư cách là đối thủ địa chính trị chính của Mỹ, cũng có vị thế tương tự trong quan hệ với phương Tây.

(theo Sputnik)

Phương Nga

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/non-nong-trung-phat-nga-my-dang-tu-ban-vao-chan-minh-181569.html