Non nước Lâm Bình

Lâm Bình được ví như 'Hạ Long trên cạn' giữa đại ngàn Tuyên Quang khi sở hữu truyền thuyết phượng hoàng bay về, tạo vẻ đẹp hùng vĩ của 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm. Cảnh vật nên thơ cùng núi non điệp trùng bên sóng nước hồ thủy điện càng tô điểm cho bức tranh thủy mạc hấp dẫn lòng người.

Khách du lịch chèo thuyền kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: HÀ THẾ ĐÔ

Khách du lịch chèo thuyền kayak trên hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: HÀ THẾ ĐÔ

Lâm Bình được ví như "Hạ Long trên cạn" giữa đại ngàn Tuyên Quang khi sở hữu truyền thuyết phượng hoàng bay về, tạo vẻ đẹp hùng vĩ của 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm. Cảnh vật nên thơ cùng núi non điệp trùng bên sóng nước hồ thủy điện càng tô điểm cho bức tranh thủy mạc hấp dẫn lòng người.

Ðiệp trùng sông núi

Lâm Bình đón chúng tôi bằng cơn mưa đêm hối hả, làm dịu mát bầu không khí vốn oi bức giữa hè. Ðã nhiều ngày nay, dù nhiệt độ ngoài trời của vùng cao dường như đạt đỉnh nhưng vẫn không ngăn được bước chân những vị khách đường xa đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm sự độc đáo của cảnh vật chung quanh vùng thủy điện Tuyên Quang. Công trình này là một trong bốn thủy điện lớn nhất miền bắc, cũng là thủy điện nhận nước từ hai dòng sông: sông Gâm và sông Năng. Lòng hồ thủy điện nằm trải dài giữa hai huyện Lâm Bình và Na Hang, cùng nhau chia sẻ những cảnh đẹp nức lòng của một nhánh vòng cung Lô Gâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: Nếu dòng sông Gâm mạnh mẽ như chàng trai Tày cường tráng thì sông Năng e ấp, yên ả như cô gái Tày xinh đẹp, nết na. Từ đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ với những dáng nghiến cổ thụ nằm vững chãi giữa rừng nguyên sinh, soi bóng xuống mặt nước. Khu vực này cũng sở hữu những thắng cảnh đẹp khác như: Thác Mặn Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng... nơi khách du lịch có thể lội ngập người giữa những dòng nước đổ trên cao xuống, là xứ sở của nhiều loài cá nhỏ chuyên bám riết lấy chân người xa đến như không muốn buông...

Trong lòng hồ thủy điện còn có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp. Ðỉnh núi cao nhất là Pắc Tạ gắn liền với truyền thuyết của người dân địa phương khuất phục voi rừng bằng rượu, dùng voi để đánh tan giặc xâm lăng. Khi voi chết bên nậm rượu đã hóa đá, mỗi ngày một cao dần lên tạo nên ngọn Pắc Tạ ngày nay. Người địa phương kể, bao giờ đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) có tuyết thì Pắc Tạ cũng bị phủ bởi mầu trắng xóa, tạo khung cảnh vô cùng độc đáo. Nơi đây sở hữu những loài hoa quý như thất diệp nhất chi hoa, kim tuyến... Ði dọc lòng hồ giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, một điểm nhấn là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là "cọc buộc trâu") gắn với sự tích của gã khổng lồ Tài Ngào. Xa cạnh bên là vùng đất Thượng Lâm với truyền thuyết về 100 con chim phượng hoàng bay rợp trời tới đây tìm kinh đô mới; 99 con sà xuống đậu trên 99 đỉnh núi, còn một con chao lượn mãi không tìm được chỗ đậu liền vỗ cánh bay thẳng về hướng Hoa Lư, khiến cả đàn phượng hoàng cất vút bay theo... 99 ngọn núi án ngữ tạo nên địa danh Thượng Lâm bây giờ cùng truyền kỳ về mảnh đất phượng hoàng. Cũng vì lẽ đó, người ta thường ví vùng đất quanh Lâm Bình như một khu vườn cổ tích bởi mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi cảnh vật đều gắn liền với những câu chuyện cổ lưu truyền nhiều đời. Mỗi tích truyện lại đưa khách đường xa trải nghiệm từng địa danh, khung cảnh một cách sống động, gần gũi hơn.

Cảnh đẹp như vậy thì ngồi du thuyền ngắm cảnh dọc lòng hồ thủy điện Tuyên Quang dường như vẫn chưa đủ thỏa mãn đối với du khách đến Lâm Bình. Từ bến thủy Thượng Lâm, không khó để ấn tượng với vẻ đẹp của những chiếc kayak nằm chấm phá trên nền nước xanh ngọc bích của mầu đá vôi. Chèo kayak giữa lòng hồ trên núi, đắm mình trong làn nước mát lạnh giữa ngày hè khi dừng tay chèo, thật không có cảm giác nào tuyệt vời hơn. Anh Khổng Văn Vinh, một trong những thành viên tích cực của câu lạc bộ kayak huyện Lâm Bình cho biết: "Câu lạc bộ kayak của huyện mới được thành lập từ năm 2018, sau một cuộc thi do du khách yêu thích loại hình chèo thuyền này đến từ Hà Nội tổ chức. Niềm đam mê đó dần thu hút người dân địa phương tham gia". Với chi phí một con thuyền kayak khoảng bảy triệu đồng, cứ hai người dân sống ở Lâm Bình có cùng sở thích lại góp nhau để mua. Ðến nay, chỉ trong một thời gian ngắn, câu lạc bộ kayak ở đây đã sở hữu tới hơn 20 chiếc thuyền, trở thành một trong năm câu lạc bộ kayak của cả nước (ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng và Quảng Ninh).

Người phụ nữ dân tộc Tày bên khung dệt. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Giao lưu âm nhạc truyền thống giữa đồng bào các dân tộc huyện Lâm Bình.

Trở mình nhờ du lịch trải nghiệm

Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao huyện Lâm Bình Khổng Văn Vinh, cũng là người cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hiền và nhiều người bản địa khác sẵn sàng tiên phong, đi đầu để gây dựng phong trào kayak, nhằm tạo ra một loại hình du lịch mới thu hút khách tham quan đến du ngoạn sơn thủy. Ðồng chí Hiền nhấn mạnh: "Phải trực tiếp tham gia, bằng đam mê và nhiệt huyết thật sự mới có thể góp phần giúp ngành du lịch non trẻ của huyện nhà có thêm sản phẩm mới, hấp dẫn hơn". Câu lạc bộ sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho bất cứ ai đam mê phong trào kayak khi tìm đến phố núi. Ðể thúc đẩy phát triển thương mại du lịch từ loại hình này, huyện Lâm Bình cũng tạo điều kiện để một số doanh nghiệp hộ gia đình là cư dân địa phương kinh doanh chèo thuyền kayak.

Vợ chồng anh Hoàng Văn Tòng, chị Triệu Thị Xướng (gia đình người dân tộc Tày) ở xã Thượng Lâm đã mạnh dạn đầu tư mua ba chiếc kayak cho du khách thuê với giá 70 nghìn đồng/giờ (mỗi giờ thuê sau giảm lần lượt 10 nghìn đồng). Anh Tòng chia sẻ: "Lúc đầu cũng lo vì vốn ít, không có tiền mua thuyền, chưa kể, khách cũng ít nữa. Sau khi trao đổi với cán bộ huyện mới dám liều thử xem sao". Gia đình người Tày này manh nha làm du lịch từ năm 2014 nhưng thu nhập ít ỏi, lúc đó vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông. Mạnh dạn mở rộng, gia đình anh được huyện Lâm Bình hỗ trợ chi phí hoàn thiện homestay Hoàng Tuấn với phong cách hòa mình vào thiên nhiên, xây dựng khu nhà vệ sinh đủ tiện nghi... Hiện nay, từ cơ sở du lịch khép kín các loại hình cư trú - ăn uống - trải nghiệm trên sông, vợ chồng anh Tòng có thu nhập từ du lịch lên tới gần 200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho năm đến 10 người, với thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/ngày. Anh Nhân, lái thuyền cho nhà anh Tòng chia sẻ: "Mỗi tháng tôi được thuê làm việc khoảng 20 ngày, khi nào vắng khách mới nghỉ. Gia đình rất khó khăn, khoản thu nhập đó là vô cùng quan trọng". Nhân sống trên thuyền từ nhỏ với gia đình cho nên đã quá rành qua lại, sinh tồn giữa lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Hiện nay, lái thuyền thuê cho các cơ sở du lịch trên hồ như Nhân đã lên tới hàng chục người, thuyền du lịch cũng qua lại tấp nập trong mỗi mùa cao điểm du lịch tại Lâm Bình.

Ngoài phát triển du lịch homestay, du lịch trải nghiệm trên sông, Lâm Bình còn hấp dẫn bởi du lịch lịch sử, văn hóa. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dưng chia sẻ: Lâm Bình hiện có 98% số dân là người dân tộc thiểu số. Dù là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh nhưng chúng tôi tự hào là huyện có tình hình an ninh trật tự ổn định. Vì lẽ đó, đến với Lâm Bình, khách du lịch sẽ được an toàn để trải nghiệm sự đa dạng màu sắc văn hóa cũng như cuộc sống gắn bó của 13 dân tộc anh em cùng rất nhiều danh thắng lịch sử, chùa chiền nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hiền cho biết: Những năm gần đây, huyện Lâm Bình đã khôi phục các lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tông ở hai xã Thượng Lâm và Lăng Can; lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang. Khách du lịch đến với Lâm Bình còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Tày, Dao như cơm lam, bún truyền thống, xôi tiết ngỗng, cá mắm ruộng, chè Khau Mút, rượu ngô men lá… Ðồng chí Nguyễn Văn Dưng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về không gian cảnh quan, văn hóa dân tộc; đồng thời đầu tư nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu đi lại, tham quan của khách du lịch.

Rõ ràng, từ những sự cố gắng của người dân và các cấp chính quyền, Lâm Bình đang ngày một đổi mới từ du lịch. Chỉ tính trong bốn tháng đầu năm 2019, huyện miền núi của Tuyên Quang đã thu hút 23 nghìn lượt khách tham quan, doanh thu từ du lịch đạt hơn 13 tỷ đồng. Những ngày cuối tháng sáu này, câu lạc bộ kayak Lâm Bình đang tích cực tổ chức luyện tập, rèn luyện thể lực, kỹ năng để tham gia thi đấu tại Hội đua thuyền Kayak huyện Lâm Bình lần thứ 2 - năm 2019, dự kiến tổ chức vào ngày 7-7 tới. Ðây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm xây dựng sản phẩm du lịch hồ sinh thái Lâm Bình, cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lâm Bình, điểm đến lý tưởng của du khách.

PHONG CHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40705102-non-nuoc-lam-binh.html