Nôn ói một ngày, bé trai 11 tuổi suýt tử vong do căn bệnh không chừa bất kỳ ai

Bé trai được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng co giật, lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp khó đo và suy đa tạng.

Ảnh: Minh họa

Cuối tháng 10, bé Lê Nguyễn Huỳnh Anh (11 tuổi, ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đi tiêu lỏng nhiều lần, kèm nôn ói, sốt cao và mệt. Ban đầu, em được ba mẹ đưa đi khám ở một trung tâm y tế gần nhà.

Khi điều trị một ngày không giảm, gia đình đưa con đến một bệnh viện tư nhân cấp cứu. Lúc đó, bé Huỳnh Anh rơi vào tình trạng co giật, lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp khó đo. Các bác sĩ cấp cứu nhận định, đây là một trường hợp nặng nên ngay lập tức triển khai cấp cứu hồi sức cho bệnh nhi.

Kết quả test nhanh cho thấy, bé Hoàng Anh bị nhiễm trùng huyết, dày thành mạch tràng và hạch ổ bụng. Sau hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ nhận định, bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, biến chứng nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan: thận, tim, tụy, kèm tiêu chảy cấp mất nước nặng.

Sức khỏe bé trái ổn định sau 10 ngày điều trị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Ảnh: BVCC.

Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã hồi phục tốt, các chỉ số xét nghiệm ổn định và được xuất viện.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Quỳnh Trâm - Trưởng Khoa Nhi của bệnh viện, sốc nhiễm trùng ở trẻ là một bệnh rất nặng và vô cùng nguy hiểm. Dấu hiệu của bệnh thường là: tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn. Bệnh nếu không phát hiện và xử lý kịp có thể dẫn đến tử vong do tổn thương đa cơ quan.

Từ trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ Trâm khuyến cáo về tính chất nghiêm trọng của căn bệnh nhiễm trùng gây ra cho cơ thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Hãy tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh

Theo bác sĩ chuyên khoa hô hấp Vũ Thanh Tuấn, nhiễm trùng đường ruột (nhiễm trùng đường tiêu hóa) là bệnh lý không loại trừ ai, không phân biệt độ tuổi. Bệnh sẽ có điều kiện thuận lợi để hình thành nếu chúng ta tiếp xúc nguồn nước và thực phẩm bẩn, giúp ký sinh trùng, nấm men, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập đường ruột.

Thời kỳ ủ bệnh thường 2-5 ngày, cũng có thể là 1-10 ngày tùy theo thể trạng của từng người. Khi nhiễm khuẩn, trẻ đi đại tiện phân lỏng, có thể lẫn với chất nhầy và có bạch cầu.

Theo các bác sĩ, trẻ cần được ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Ảnh minh họa.

Để phòng ngừa bệnh này, các bác sĩ cho biết, chúng ta cần thiết lập một thói quen vệ sinh sạch sẽ và chế độ ăn uống an toàn như sau:

- Giữ thói quen ăn chín, uống sôi, không dùng thực phẩm đã quá hạn sử dụng. Đặc biệt, nên chọn nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dưỡng chất cho cả nhà.

- Nguồn thực phẩm từ gia cầm cần được vệ sinh sạch sẽ và nấu thật chín.

- Nếu tiếp xúc với các loại gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, cần dùng dụng cụ bảo hộ. Tuyệt đối không cho trẻ gần gũi, ôm ấp vật nuôi trong nhà đang mắc bệnh nhiễm khuẩn. Nhà cửa và những ai tiếp xúc với vật nuôi nên được vệ sinh sạch sẽ để tránh virus không lây lan sang động vật nuôi khác hoặc con người.

- Xử lý an toàn chất thải gia súc, gia cầm và đưa nó cách xa nơi sinh sống để tránh tác nhân gây bệnh có cơ hội xâm nhập cơ thể.

- Trước khi ăn cần rửa tay thật sạch.

Người bị nhiễm trùng đường ruột cần thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tránh dùng chung vật dụng sinh hoạt hay ăn uống chung với người khác để ngăn nguy cơ lây lan bệnh.

Diệu Thuần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/non-oi-mot-ngay-be-trai-11-tuoi-suyt-tu-vong-do-can-benh-khong-chua-bat-ky-ai-51202229119616975.htm