Nóng bỏng chuyện bảo vệ hệ sinh thái biển và phát triển nguồn lợi thủy sản

Với diện tích biển khoảng 1 triệu km2, có bờ biển trải dài trên 3.260km, Việt Nam là một quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.

 Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN.

Ngư dân Khánh Hòa đánh bắt cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN.

Số liệu thống kê đến nay cho thấy, biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có ĐDSH cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.

Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.

Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng.

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản đạt 8,6 tỷ USD năm 2019.

Tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,77 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn.

Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.

Trong đó, ĐDSH biển, trọng tâm là các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng.

Vì vậy, việc bảo vệ các hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.

Với tình trạng nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt và định hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai, xu hướng tiến ra biển là một vấn đề tất yếu.

Thực tế, số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở các khu vực biển và ven biển đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô, kèm theo đó là sự gia tăng áp lực của nhu cầu sử dụng biển, khai thác tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt tài nguyên biển.

Điều này cũng có nghĩa là KBTB, VQG có hợp phần biển trong thời gian tới phải đối mặt với những thách thức rất lớn bên cạnh những cơ hội phát triển.

Với tầm nhìn xa và sâu sắc, ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển.

Tiếp đó, để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13/2/2012, Thủ tướng ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ;

Gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam..

Nội dung chủ yếu của Chương trình 188 cơ bản đều đã được triển khai thực hiện bao gồm: điều tra nguồn lợi, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái.

Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-bong-chuyen-bao-ve-he-sinh-thai-bien-va-phat-trien-nguon-loi-thuy-san-d279451.html