Nóng bỏng “cuộc chiến” giá iPhone

Vinaphone và Viettel lần lượt công bố giá iPhone và các gói cước đi kèm khá cạnh tranh. Trong khi đó, tin không chính thức từ MobiFone cho biết, giá iPhone của nhà mạng này cung cấp sẽ chỉ bằng 2/3 giá của Viettel và Vinaphone.

Ba dòng máy mà cả Vinaphone và Viettel cung cấp gồm iPhone 3G-8GB, 3GS-16GB và 3GS-32GB. Mức giá Vinaphone đưa ra dao động từ 9,888 - 14,588 triệu đồng/máy (chưa VAT), tùy theo dòng máy và gói cước sử dụng cùng cam kết sử dụng ít nhất hai năm. Ở gói trả trước của Vinaphone, giá các dòng máy iPhone cao hơn khoảng 700.000 đồng so với gói trả sau. Dòng máy do iPhone cung cấp là phiên bản quốc tế, không khóa mạng. Vinaphone cũng mới chỉ cung cấp iPhone cho khách hàng đăng ký sử dụng các gói cước đi kèm mà chưa có máy bán riêng. Ba gói trả sau của Vinaphone dành cho khách hàng mua iPhone có mức cước thuê bao là 400.000, 550.000 và 650.000 đồng/tháng. Gói cước trả trước có mức cước thuê bao khoán 1.400.000 đồng/năm. Ngay sau khi Vinaphone công bố giá iPhone và các gói cước đi kèm, Viettel cũng lập tức ngửa bài. Khác với Vinaphone, Viettel dành cho khách hàng hai sự lựa chọn gồm phiên bản quốc tế và phiên bản khóa mạng (chỉ sử dụng được trên mạng Viettel hoặc kèm gói cước cam kết). Với hình thức cam kết trả sau trong vòng 12 tháng hoặc 24 tháng, khách hàng của Viettel có thể sở hữu iPhone 3G 8GB từ mức 0 đồng và iPhone 3GS 32GB với giá khoảng ba triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, khách hàng sẽ phải bỏ ra khoản tiền ban đầu tương ứng 11,3 - 15,9 triệu đồng, gồm tiền máy và tiền ứng dịch vụ. Đi kèm với iPhone “0 đồng” là mức cước thuê tháng không hề bình dân chút nào, tới 1,2 triệu đồng/tháng. Đúng như dự đoán của giới viễn thông, các gói cước của các nhà mạng đưa ra về cơ bản không có nhiều khác biệt. Số tiền ban đầu mà khách hàng phải bỏ ra vẫn tương đương số tiền mua một chiếc iPhone ở ngoài trong khi vẫn phải “oằn mình” để sử dụng cho hết các dịch vụ “miễn phí” của nhà mạng. Trong khi các thông tin từ Vinaphone và Viettel liên tục làm nóng mối quan tâm của người tiêu dùng về iPhone thì đại gia MobiFone vẫn chưa chính thức công bố bất kỳ thông tin nào. Nhưng, một nguồn tin từ MobiFone cho biết, mức giá và các gói cước iPhone của nhà mạng sẽ chỉ tương đương 2/3 giá của Viettel và Vinaphone. Các gói cước của Viettel, về cơ bản, đều thấp hơn các gói tương tự được Vinaphone công bố với mức từ 50.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, do Vinaphone áp dụng khuyến mãi nên về cơ bản mức giá của Vinaphone là tương đương, thậm chí thấp hơn. Ví dụ, để sở hữu chiếc iPhone 3Gs 16G, với gói cước iTouch2, trong hai năm cam kết sử dụng, khách hàng của Vinaphone phải trả: 11,888 triệu tiền máy + (550.000 đồng/tháng x 24 tháng cước thuê bao) - 4,920 triệu (khuyến mãi) = 20,168 triệu đồng. Với gói cước tương tự của Viettel (iPhone2), khách hàng sẽ phải trả 14,199 triệu tiền máy + (500.000 đồng cước thuê bao/tháng x 24 tháng) = 26,199 triệu đồng. Trên nhiều diễn đàn về công nghệ, sau khi Vinaphone và Viettel công bố giá cũng như các gói cước đi kèm iPhone, đã có khá nhiều người bày tỏ sự thất vọng vì iPhone “0 đồng” thực sự chỉ là “quả táo vẽ”. Trên thực tế, iPhone vẫn chưa thể trở thành một chiếc điện thoại bình dân như trông đợi của nhiều người. Mặc dù đã có hơn 50.000 khách hàng đăng ký mua iPhone qua mạng theo công bố của Vinaphone và Viettel nhưng chắc chắn với mức giá được hai nhà mạng này công bố, số lượng iPhone thực tế bán ra sẽ không nhiều. Một đại diện của Vinaphone cho biết, nhà mạng này dự đoán, số khách hàng thực sự muốn mua iPhone chỉ dưới 50% số người đăng ký, thậm chí thấp hơn nhiều. Theo nhận định của chuyên gia một hãng viễn thông quốc tế đang làm việc tại Việt Nam, các nhà mạng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi “sao chép” các gói cước iPhone giống như các quốc gia khác. Ở nhiều quốc gia, iPhone được bán với mức giá chỉ từ khoảng bốn triệu đồng, cũng với cam kết sử dụng hai năm. Các nhà mạng có thể thu tiền rất dễ dàng nhờ vào sự bảo đảm của hệ thống ngân hàng và hầu hết các thuê bao đều là trả sau. Trong khi đó, ở Việt Nam, 90% là các thuê bao trả trước. Hệ thống thanh toán còn thiếu nên các mạng phải đặt ra chính sách bắt khách hàng đặt cọc với số tiền cam kết cũng tương đương với số tiền phải bỏ ra để mua iPhone ở thị trường ngoài. Chính điều này khiến việc sở hữu iPhone “giá rẻ” của những người tiêu dùng bình dân trở nên vô nghĩa, chuyên gia này bình luận. Còn đối với những người có thu nhập cao hoặc đã có iPhone hoặc họ có thể sử dụng iPhone mà không cần đến các cam kết với các nhà mạng. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, hầu hết các nhà mạng hiện chưa có nhiều dịch vụ phi thoại hấp dẫn, nên việc dùng iPhone vẫn chỉ là cách “chứng tỏ đẳng cấp” mà chưa tận dụng được các ưu thế của iPhone trong kết nối internet. Theo chuyên gia này, thử thách của các nhà mạng Việt Nam hiện nay không phải là việc bán iPhone, mà chính là việc cung cấp được các dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt khi mà các dịch vụ phi thoại của Việt Nam còn khá nghèo nàn và chất lượng mạng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Trường Sơn Thanh Niên

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=189922&channelid=46