'Nóng' câu chuyện về điều kiện chứng nhận người chuyển đổi giới tính

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) được Bộ Y tế xây dựng từ năm 2016 và hiện đang xin Quốc hội cho vào chương trình Luật. Ngày 17-11, Bộ Y tế lại tiếp tục tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật CĐGT với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia nước ngoài và đông đảo thành viên cộng đồng CĐGT.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3% - 0,5% dân số. Đến nay đã có hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Quy định độ tuổi và hôn nhân của người CĐGT

Tại Việt Nam, hiện có gần 500 nghìn người mong muốn chuyển giới. Hầu hết những người có mong muốn CĐGT vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội; đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…

Ông Cianan B.Rusell, cán bộ mảng nhân quyền và vận động chính sách cho biết, các trở ngại pháp lý liên quan tới việc đáp ứng các điều kiện của quá trình thừa nhận giới tính mới khá phổ biến như quy định về độ tuổi, tình trạng hôn nhân và các điều kiện can thiệp y học.

Theo đó, trẻ em chuyển giới đã có thể xác định giới tính của bản thân khá sớm từ khi mới 2-3 tuổi, nhiều trẻ dậy thì trước 18 tuổi. Do đó, ông Cianan cho rằng, nếu yêu cầu độ tuổi cho người chuyển giới là 18 mới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong quá trình định giới đẩy trẻ em chuyển giới phải trưởng thành sớm về mặt cơ thể mà không phát triển đồng đều và lành mạnh với bản dạng giới của họ. Áp lực tâm lý, bức bối vì không được sống với đúng giới tính khiến họ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường, nghỉ học sớm và thậm chí là tự tử.

“Tại Aghentina, trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghi nhận thay đổi giới tính lúc chỉ mới năm tuổi” – ông Cianan dẫn chứng.

Bên cạnh đó, quy định về vấn đề độc thân mới được CĐGT tại Việt Nam không hợp lý vì hôn nhân chỉ là một hợp đồng. Ông cũng cho rằng, hiện nay còn tồn tại những người vừa liên giới tính vừa là người chuyển giới. Nếu đặt ra thuật ngữ “giới tính sinh học hoàn thiện” như trong Dự thảo vô hình chung loại trừ những người này ra khỏi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe định giới và thừa nhận giới tính mới. Đồng thời, theo định nghĩa này người chuyển giới phải trải qua cuộc kiểm tra về nhiễm sắc thể để khẳng định chắc chắn về mong muốn và yêu cầu chuyển giới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, người CĐGT phải tự chịu trách nhiệm về quyết định chuyển giới của mình. Do đó, quy định độ tuổi 18 ở Việt Nam là hợp lý để lúc đó, một người trưởng thành về mặt sinh lý, có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về sự thay đổi liên quan đến thân thể của mình.

Ông Quang cũng cho biết, Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, quy định về độc thân mới được công nhận CĐGT phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức và pháp luật về hôn nhân của Việt Nam.

Nhiều ý kiến của thành viên cộng đồng CĐGT được đưa ra tại hội thảo.

Có cần phải phẫu thuật mới được công nhận giới tính mới

Trên thế giới hiện nay có 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, trong đó 38 quốc gia (62%) ở châu Âu và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Philippines… yêu cầu người có mong muốn được công nhận chuyển đổi giới tính phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân. Một số nước và vùng lãnh thổ cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel…

GS.BS Dan Karasic (Đại học Y dược California San Francisco) dẫn chứng Quyết định của Tòa án nhân quyền châu Âu tháng 4-2017, việc yêu cầu triệt sản hay phẫu thuật bộ phận sinh dục có thể tác động lên sức khỏe sinh sản để thay đổi giới tính pháp lý là vi phạm quyền con người. Do đó, những quốc gia châu Âu như Thụy Điển và Na Uy đã bỏ điều kiện triệt sản từ trước.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, trong Dự thảo Luật CĐGT, hiện cũng đang nghiêng về hai phương án hoặc chỉ cần sử dụng hooc-môn liên tục trong hai năm hoặc người thực hiện can thiệp ngoại khoa sẽ được công nhận là người CĐGT.

Được biết, hiện tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay của người trả lời trong nghiên cứu này dao động từ 23 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm FTM (từ nữ sang nam), chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng, với nhóm MTF (nam sang nữ), chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia cũng thống nhất quan điểm cho rằng, chi phí phẫu thuật lớn là nguyên nhân khiến không nhiều người thực hiện biện pháp can thiệp này do không có khả năng chi trả.

“Phẫu thuật CĐGT rất tốn kém, có nhiều rủi ro. Hiện nay, có nhiều người muốn CĐGT nhưng không có tiền hoặc mắc bệnh tâm lý không muốn phẫu thuật. Có người chỉ có tiền phẫu thuật ngực mà không có tiền phẫu thuật bộ phận sinh dục. Vì tính chất nhân văn và theo thông lệ đa số quốc gia trên thế giới, Việt Nam không bắt buộc điều kiện phải phẫu thuật CĐGT mới được công nhận đã CĐGT” - ông Nguyễn Huy Quang kết luận.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/34739302-%E2%80%9Cnong%E2%80%9D-cau-chuyen-ve-dieu-kien-chung-nhan-nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh.html