Nòng cốt bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở Cao Bằng

Đồng hành cùng BĐBP, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Cao Bằng đã trở thành nòng cốt tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng bào DTTS tham gia tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng. Ảnh: CTV

Đồng bào DTTS tham gia tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng. Ảnh: CTV

Cao Bằng là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333km. Tỉnh hiện có dân số trên 53 vạn người, trong đó, tỷ lệ DTTS chiếm 94,88%. Cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, BĐBP Cao Bằng có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới trải dài trên 7 huyện, 37 xã, 3 thị trấn, 119 xóm giáp biên cùng 634 mốc quốc giới.

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 22/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt trên 23 nghìn lượt người có uy tín, hơn 98% trong số đó là người DTTS, gồm nhiều thành phần như: Già làng, trưởng thôn bản, cán bộ nghỉ hưu, thầy mo, thầy cúng, chức sắc tôn giáo, người sản xuất kinh doanh giỏi... người có uy tín có ảnh hưởng lớn tới đồng bào các DTTS trên địa bàn. Họ cũng là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới bà con.

Với đặc điểm địa hình của tỉnh Cao Bằng là có nhiều địa bàn biên giới nên vai trò, vị trí của người có uy tín trong việc tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở rất được coi trọng. Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, người có uy tín đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng tham mưu cho địa phương các cấp củng cố, kiện toàn 40/40 đảng bộ xã, thị trấn biên giới; chia tách, thành lập mới 48 chi bộ, xóa 25 thôn, bản trắng đảng viên; kết nạp 392 đảng viên; phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng cho 452 quần chúng ưu tú; tham mưu giúp địa phương từ yếu lên trung bình 8 xã, từ trung bình lên khá 25 xã.

Tham mưu cho địa phương bồi dưỡng thay thế, củng cố, kiện toàn 243 lượt cán bộ, 121 lượt tổ chức đoàn thể các xóm, xã, thị trấn biên giới. Phát hiện bồi dưỡng, giới thiệu đi đào tạo, sử dụng cán bộ tại chỗ, đặc biệt là cán bộ người DTTS 312 người. Hiện nay, 97% cán bộ cấp xã là người DTTS ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, người có uy tín đã phối hợp với các đồn, tổ công tác Biên phòng tổ chức kết nghĩa được 13 cặp cụm dân cư hai bên biên giới; tổ chức 45 cuộc giao lưu cụm dân cư hai bên biên giới, góp phần quan trọng trong xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bà Hà Thị Tán (thứ 4, từ trái sang) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Trần Nhung

Bà Hà Thị Tán (thứ 4, từ trái sang) cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đức Long, BĐBP Cao Bằng tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Trần Nhung

Theo Đại tá Đặng Hồng Quân, Chính ủy BĐBP Cao Bằng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới bằng những biện pháp, hình thức cụ thể, trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, quần chúng nhân dân, làm sao để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân thấy rõ được vinh dự, trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng hành cùng BĐBP thực hiện nội dung này, người có uy tín đã trở thành nòng cốt tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đồn, tổ công tác Biên phòng trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân tham giao bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".

Bà Hà Thị Tán, người có uy tín xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An cho biết, bà đã vận động 100% hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản, bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc; tuyên truyền cho bà con không xâm canh, xâm cư, qua lại biên giới trái phép; thông tin kịp thời cho Đồn Biên phòng Đức Long nhiều nguồn tin có giá trị; đồng thời thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đến tận từng hộ dân tuyên truyền, vận động, giúp bà con thấy được trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, từ đó tích cực tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.

Kết quả là, trong 5 năm qua, những người có uy tín như bà Hà Thị Tán đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP xây dựng được mạng lưới 155 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, với gần 8.000 hộ, gần 11.600 người tham gia; 392 tổ tự quản an ninh trật tự với trên 11.400 thành viên. Người có uy tín cùng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP trên 3.400 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ an ninh trật tự biên giới và đấu tranh với các loại tội phạm; huy động phối hợp tuần tra biên giới được trên 11.000 lần/87.000 lượt người tham gia; phát quang đường tuần tra, đường thông tầm nhìn biên giới được trên 2.300 lần, với trên 190.000 lượt người tham gia; tu sửa được 65 buổi/gần 27 km đường tuần tra biên giới, với trên 1.350 lượt người tham gia; xử lý 291 vụ, 378 đối tượng liên quan đến ma túy; 708 vụ, 678 đối tượng buôn lậu; 7 vụ, 12 đối tượng mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép...

Phối hợp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái pháp luật, vận động một số hộ dân tộc Mông, Dao quay trở lại với tín ngưỡng truyền thống; tuyên truyền, vận động nhiều hộ viết cam kết không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Vận động được hàng trăm lượt thanh niên người DTTS nhập ngũ vào BĐBP; tổ chức cho các gia đình ở các xóm, bản biên giới ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê..., góp phần giữ vững ổn định chính trị ở khu vực biên giới.

Chị Ngụy Thị Hường, xóm Cáy Tắc, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng tâm sự, do sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận thông tin nên bản thân chị và bà con còn thiếu hiểu biết pháp luật. Song từ khi được BĐBP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, vận động nên đến nay, chị và bà con trong xóm đã hiểu rõ pháp luật về biên giới, không ai vượt biên, buôn lậu, không vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nữa.

Sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng chính là cách thức bền vững nhất góp phần xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đóng góp một phần công sức tạo dựng nên sự chuyển biến tích cực đó có vai trò không nhỏ của đội ngũ người có uy tín. Họ xứng đáng là “điểm tựa của mọi điểm tựa khác”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận tại buổi gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu tại Hà Nội (ngày 21/12/2018).

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-cot-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-o-cao-bang-post476032.html