Nóng cuộc chiến gián điệp Nga - Mỹ

CIA tung chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi người dân Nga làm gián điệp cho Mỹ nhưng hiệu quả được đánh giá là không cao.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Mỹ gia tăng do cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, hai nước đã tăng cường các hoạt động do thám lẫn nhau. Ngày 16-5, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tung một mẫu quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội với mục tiêu kêu gọi công dân Nga làm gián điệp phục vụ nước Mỹ.

CIA đánh vàosự trăn trở của dân Nga

Theo đài NBC, đoạn quảng cáo của CIA dài 2 phút, được sản xuất tương đối công phu. Video quay cảnh nhiều người dân Nga trong nhiều bối cảnh - trong nhà nhìn ra cửa sổ, từ ghế đá công viên, nhìn chằm chằm vào ảnh chân dung gia đình… - như thể dự tính về tương lai con cái của họ đang trăn trở cân nhắc một quyết định quan trọng. Sau đó là cảnh một người đàn ông mang theo một chiếc cặp đi vào tòa nhà và xuất trình thẻ căn cước của mình. Ở cuối video, các nhân vật này quyết định chọn liên lạc với CIA qua điện thoại.

Một cảnh từ video của CIA khuyến khích người dân Nga liên lạc với CIA. Ảnh: Từ video quảng bá của CIA

Một cảnh từ video của CIA khuyến khích người dân Nga liên lạc với CIA. Ảnh: Từ video quảng bá của CIA

Xuyên suốt video là một giọng đàn ông chia sẻ các nội dung như: “Đây là nước Nga của tôi. Đây sẽ luôn là nước Nga của tôi. Tôi sẽ vượt qua. Gia đình tôi sẽ vượt qua. Chúng tôi sẽ sống và ngẩng cao đầu vì hành động của tôi”.

Hồi tháng 2, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từng tung ra một chiến dịch truyền thông với mục tiêu tương tự nhằm vào đối tượng là nhân viên Nga làm việc trong Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington, D.C., theo CNN. Mẫu quảng bá của FBI kêu gọi các nhân viên này chủ động liên lạc với FBI và chỉ đường từ Đại sứ quán Nga tới trụ sở FBI ở thủ đô.

Đoạn video cho thấy “những người dân Nga hư cấu đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng quan trọng là bí mật liên hệ với CIA bằng cách sử dụng cổng thông tin của chúng tôi” - một quan chức CIA giải thích.

Mục tiêu của video là những người Nga mà CIA tin rằng có số lượng lên tới hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn - ở Nga và nước ngoài - có thể có thông tin giá trị để chia sẻ. Đài CNN dẫn nguồn từ một số quan chức Mỹ cho biết họ là những người làm việc trong các lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ, tài chính, quân sự và ngoại giao. Theo các quan chức Mỹ, nhiều người trong số họ có thể không biết cách liên lạc với CIA hoặc có thể đơn giản là không nhận thức được rằng những gì họ biết là đáng quan tâm.

Ông James Olson, cựu trưởng Phòng phản gián của CIA, đồng ý rằng với sự giúp sức của mạng xã hội thì lúc này “có lẽ là giai đoạn tuyển dụng người Nga tốt nhất mà chúng tôi từng có”.

Hoạt động của cộng đồng tình báo Mỹ đã sôi động hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, CNN dẫn lời Giám đốc phụ trách các chiến dịch của CIA David Marlowe.

Nga gia tăng hoạt động tình báo

Bình luận về đoạn video của CIA ngày 16-5, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các lực lượng chuyên trách của Nga chắc chắn đang theo dõi.

“Chúng tôi đều biết rõ rằng CIA và các cơ quan tình báo khác của phương Tây không ngừng giảm hoạt động trên lãnh thổ của chúng tôi” - ông Peskov nói, theo hãng tin Reuters.

Theo một bài viết hồi tháng 4 của hãng tin Politico, nhiều cơ quan an ninh châu Âu đã phát cảnh báo rằng hoạt động tình báo của gián điệp Nga đang gia tăng trở lại. Cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu là mục tiêu chính mà Nga thu thập thông tin tình báo, với ưu tiên hàng đầu là giám sát việc sản xuất và cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine.

Tình báo Nga cũng được cho là đã tiến hành các đợt tuyển dụng “ở bất cứ đâu và khi nào có thể”. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái, các cơ quan an ninh Bulgaria, Slovakia, Albania, Hà Lan, Đức, Thụy Điển và Na Uy đều đã bắt giữ các đặc vụ và gián điệp Nga làm việc cho GRU (tình báo quân đội Nga) hoặc SVR (tình báo ngoại giao Nga).

Chuyên gia đánh giá hiệu quả video của CIA: Không cao

Chia sẻ với tờ Newsweek, GS Ronald Marks thuộc ĐH George Mason (Mỹ) từng làm việc cho CIA nhận định rằng ngoài việc thu thập thêm gián điệp thì video quảng bá của CIA còn đang gửi một thông điệp chính trị tới Moscow rằng họ không đánh giá cao năng lực phản gián của đối thủ.

Giám đốc Công ty tư vấn chính trị Active Measures (Mỹ) - ông Michael van Landingham, cũng từng làm việc cho CIA, cho rằng video quảng bá có thể xem là một phần của chiến dịch truyền thông nhằm khiêu khích chính quyền Nga.

“Chúng là phương tiện truyền thông xã hội giống kiểu một sĩ quan tình báo tiếp cận một người khác mà không cần liên hệ trước và yêu cầu họ tình nguyện cung cấp thông tin. Cách tiếp cận kiểu này thường quyết đoán nhưng không đem lại hiệu quả cao” - ông Landingham nói.

Dù vậy, video quảng bá trên vẫn thu hút được một bộ phận người dân Nga nhất định, chẳng hạn như lớp người trẻ. Những người này thường có xu hướng không vui vẻ và bất mãn, trong cuộc sống lẫn trong công việc, cao hơn những bộ phận dân cư khác và sẽ sẵn sàng hợp tác với CIA hơn.

Ngoài ra, GS Marks lưu ý rằng chính quyền Nga có thể tính toán lợi dụng video quảng bá của CIA để cung cấp thông tin sai lệch cho chính cơ quan này nhưng nhiều khả năng cơ quan này đã dự liệu trước điều đó có thể sẽ xảy ra.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nong-cuoc-chien-gian-diep-nga-my-post733768.html