Nông dân '3 toa'

'Chính phủ sẽ đi chợ cùng nông dân'. Đó là một cái tít được nhiều tờ báo điện tử giật trên trang chủ trong ngày hôm qua (14.10).

Ảnh minh họa, nguồn: Hội Nông dân Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cam kết như vậy tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3 diễn ra sáng cùng ngày. Nó thu hút nhiều bạn đọc không chỉ là nông dân mà những người quan tâm và liên quan đến nông dân nữa.

Cũng phải nói ngay cái chợ ở đây không chỉ là chợ nội địa với 90 triệu khách hàng mà là cái chợ toàn cầu với hơn 7 tỉ dân. Mấy chục triệu nông dân ta đã qua lâu rồi cái thời làm chỉ đủ hai tay đút lỗ miệng. Khối lượng hàng hóa làm ra đã tính bằng tỉ, chục tỉ Mỹ kim.

Nhưng với lượng hàng này nếu qua tay các nền kinh tế tiên tiến với hai “toa” (từ dùng của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường) là chế biến - tiêu thụ ắt hẳn giá trị của nó có thể gấp năm, gấp mười lần chứ không ít.

Cách đây hơn mười năm, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu đã chua chát nói với người viết bài này rằng, chiều dài mấy chục con tàu biển chở gạo xuất khẩu của DN ông dễ đến hơn cây số giá trị cũng chỉ tương đương với một “công” máy tính ta nhập của nước khác.

Điều vô lý, thậm chí thậm vô lý này không phải nông dân không biết, càng không thể nói là Chính phủ không biết. Đã có những quyết sách có thể nói cực kỳ quyết liệt, sát sạt, cũng có những chuyển biến ngoạn mục ở đâu đó, ở vài mặt hàng nào đó. Nhưng những cuộc giải cứu từ quả vải, quả thanh long đến củ khoai tây, con lợn… vẫn làm đau lòng những ai đau đáu với nông dân. Người nông dân còn quá thua thiệt và nói rộng ra ngành nông nghiệp của một đất nước nông nghiệp còn quá thua thiệt.

Nhưng hôm qua - tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần 3, người ta thấy một thái độ không cam chịu từ Chính phủ đến người nông dân. Rằng đã đến lúc không thể để sự vô lý “lấy lượng bù chất”, rằng nông dân không thể cứ ăn no vác nặng, bán sức, bán công làm lãi mãi được.

Lượng phải biến thành chất. Giá trị một quả vải, một quả thanh long, một con tôm, con cá phải bao hàm không chỉ mồ hôi, công sức mà còn cả trí tuệ của con người trong đó. Chính phủ cam kết sẽ đi chợ cùng nông dân.

Song về phần mình nông dân cũng phải cam kết phải có hàng tốt. Vì không chỉ chợ toàn cầu mà cả chợ nội địa cũng ngày càng khó tính.

Cháu gái tôi - một cử nhân tốt nghiệp xuất sắc Đại học Ngoại thương, rồi lấy bằng thạc sĩ xuất sắc tại Anh quốc. Ba năm trước cháu vừa từ chối một công việc với mức lương vài ngàn đô-la/tháng tại một ngân hàng nước ngoài để trở về quê làm nông dân. Cháu thuê lại một trang trại vài hecta vùng bán sơn địa. Sản phẩm của cháu là hoa hồng lai từ Châu Âu.

Lứa hoa đầu tiên đã mang về trị giá gấp 20 lần khi trang trại này trồng cây ăn quả lai tạp. Điều đáng ngạc nhiên là cháu làm chủ cả 3 “toa”: Sản xuất - chế biến - đi chợ (dĩ nhiên chợ online). Đọc báo, nghe đài thấy gương như cháu không còn cá biệt.

Một thế hệ nông dân mới - nông dân thế hệ 4.0 đã ra đời. Còn sớm để ca tụng về thành công của họ, nhưng quả thực không thể không mong chờ vào một thế hệ “nông dân 3 toa” như vậy.

BẮC LẬP THẠCH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nong-dan-3-toa-636018.ldo