Nông dân bức xúc vì bị sông “nuốt” dần đất canh tác

Mặc dù đã nhiều lần phản ánh lên các cơ quan chức năng việc đất nông nghiệp bị sạt xuống sông do nạn khai thác cát quá mức. Thế nhưng, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đất vẫn sạt, người dân lại tiếp tục kêu và chờ.

Đất sản xuất của người dân bị sạt dần xuống sông. Ảnh: QA

Ông Hồ Doãn (SN 1960, trú tại thôn Phú Cường, xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết: Gia đình ông có 2,5ha đất trồng cà phê với 350m dọc sông Krông Nô được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1998. Tuy nhiên, từ năm 2011 tới nay, khi các doanh nghiệp khai thác cát liên tục hút cát gần bờ sông, khoảng 2 sào đất của ông đã bị sông “nuốt chửng”.

Quá bức xúc, ông Doãn đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, với hiện trạng này chỉ cần một đợt nước dâng là đất của tôi sẽ bị sạt tiếp. Nếu chính quyền địa phương tiếp tục làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột như trước thì người dân không còn đất mà canh tác”, ông Doãn nói.

Cũng theo ông Doãn, trong các buổi làm việc trước, các cơ quan chức năng trả lời cho người dân đất bị sạt là do thủy điện Buôn Tua Srah đóng, xả nước bất thường làm thay đổi dòng nước. “Tuy nhiên tôi khẳng định việc đất bị sạt là do các tàu hút cát sát bờ, hút sâu mấy chục mét. Ngày nào chúng tôi cũng thấy tàu cát hoạt động nhộn nhịp gần bờ, vậy mà nói do thủy điện thì không chính xác”, ông Doãn nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Hùng (SN 1951, trú tại thôn Phú Cường, xã Đắk Nang) cũng không tránh khỏi lo lắng khi hơn 100m đất canh tác của ông có nguy cơ sạt trong mùa mưa này. “Bờ sông ngày một hổng, chỉ cần một trận nước lớn là đất sẽ bị cuốn trôi. Rất mong chính quyền địa phương sớm vào cuộc để người dân chúng tôi an tâm sản xuất”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, ông Mai Thế Viễn - quản lý Công ty TNHH Xuân Bình (xã Đắk Nang) khẳng định Công ty Xuân Bình tiến hành khai thác cát đúng theo quy định của giấy phép khai thác như hút cách bờ sông 5m, hút giữa sông và chỉ hút sâu 3m. Hiện Công ty có 3 tàu khai thác cát đang hoạt động với sản lượng cát trung bình mỗi ngày 140m 3 . Đại diện lãnh đạo Công ty đã trực tiếp tới nhà gặp từng hộ dân để giải thích cho họ hiểu không phải do đơn vị khai thác cát. Có chăng là do thủy điện xả nước làm ảnh hưởng. “Tuy nhiên, người dân vẫn làm quá lên vì muốn xin ít tiền”, ông Viễn nói.

Theo ông Đàm Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông: Hiện tượng sạt lở đất của người dân tại huyện Krông Nô là có thật. Nguyên nhân do khai thác cát, khô hạn khiến lượng nước giảm và do thủy điện Buôn Tua Srah làm đổi dòng chảy, lưu lượng nước thay đổi khiến đất sạt lở. “Hiện Sở đang cử đơn vị liên quan phối hợp làm việc với huyện để giải quyết vấn đề. Đồng thời tiến hành làm các thủ tục xin vốn biến đổi khí hậu làm kè ở những chỗ xung yếu để chèn lại ngăn sạt lở”, ông Trung cho biết thêm.

Quỳnh Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/nong-dan-buc-xuc-vi-bi-song-nuot-dan-dat-canh-tac_t114c1159n104602