Nông dân được vay không thế chấp để thực hiện Đề án

Ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án đặt mục tiêu giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Tới nay, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã bắt tay vào thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với nhiều tâm thế, kỳ vọng mới. Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, Đề án là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo, sẽ không còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa mà sẽ tập trung vùng rộng lớn phát triển đồng bộ. Đặc biệt là khai thác được chuỗi giá trị lúa gạo, nhất là tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp. Năm 2024, Kiên Giang sẽ tham gia 60.000ha/vụ (tương đương 120.000ha/năm/2 vụ). Đến năm 2025 là 100.000ha/vụ và năm 2030 sẽ có 200.000ha/vụ (tương đương 400.000ha/2 vụ). Bước đầu có 112 HTX đủ điều kiện tham gia đề án tại 8 huyện của tỉnh Kiên Giang có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước với trên 700.000ha, ước đạt trên 4,5 triệu tấn lúa.

Còn theo lãnh đạo Sở NNPTNT An Giang, tỉnh đã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa với lộ trình đến năm 2025 có ít nhất 100.000ha lúa (tương đương 300.000ha/năm/3 vụ) và sẽ đạt 150.000ha lúa đến năm 2030 (tương đương 450.000ha/năm/3 vụ). Đã rà soát, chọn lựa 129 HTX tham gia Đề án. An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ hai của cả nước với diện tích trên 625.000ha, tổng sản lượng trên 4 triệu tấn lúa/năm.

Tại Cần Thơ, thành phố đã đăng ký 50.000ha. Cụ thể, giai đoạn 2024-2025, đăng ký 30.000ha. Giai đoạn đến năm 2030 tăng thêm 20.000ha tại 3 huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Trong khi đó tại Đồng Tháp, thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, năm 2024 Đồng Tháp đã đăng ký diện tích 52.000ha, năm 2025 tăng lên 70.000ha, mục tiêu đến năm 2030 là 163.000ha lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo Bộ NNPTNT, sẽ có 40.000 tỷ đồng được rót vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Trong đó có khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và vốn xã hội hóa. Còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng vốn từ người dân. Giai đoạn từ năm 2023-2025 sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng. Số còn lại sẽ đầu tư giai đoạn 2025-2030. Nông dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được ngân hàng cho vay không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ. Thời gian vay 6 tháng, được hỗ trợ bảo hiểm với cây lúa.

Sỹ Tuyến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-dan-duoc-vay-khong-the-chap-de-thuc-hien-de-an-10280061.html