Nông dân gặp khó khi 'lấn sân' sang làm du lịch nông nghiệp, nông thôn

Thời gian qua, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Bến Tre khởi sắc đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Ngày 3/11, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo "Nông dân Bến Tre với du lịch sinh thái bền vững". Hội thảo nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Hội thảo nhận được 14 tham luận của các ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu khoa học lĩnh vực du lịch. Nhiều ý kiến nêu lên được tiềm năng, thực trạng cũng như phân tích những hạn chế và đề xuất giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn Bến Tre trước yêu cầu mới.

Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn chia sẻ, với vị trí địa lý thuận lợi, Bến Tre sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn nhờ đặc tính gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Du lịch sinh thái Bến Tre có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, để phát triển du lịch sinh thái Bến Tre theo hướng bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đầu tư, quan tâm của các cấp, ngành và người dân địa phương. Tỉnh cần tập trung khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, tỉnh chú trọng phân bổ hợp lý các khu du lịch sinh thái trên địa bàn và tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái trọng điểm, tạo điểm nhấn cho du lịch sinh thái Bến Tre; phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Điều này sẽ giúp bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa của địa phương, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân.

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, thời gian qua, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh khởi sắc đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tuy nhiên theo ông Bàn, du lịch nông nghiệp hay nói cách khác "Nông dân làm du lịch" còn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nông dân vẫn đang gặp khó trong quá trình "lấn sân" sang làm du lịch. Tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; cơ sở vật chất tại nhiều điểm du lịch chưa đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Các đại biểu tham dự đã nêu nhiều ý kiến giúp Hội Nông dân tỉnh cùng hội viên Hội nông dân tham gia phát triển du lịch thích ứng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Cụ thể là phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; nông dân phát triển du lịch sinh thái biển; hoạt động và giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp; vai trò của nông dân và các đoàn thể trong phát triển du lịch; giải pháp giúp nông dân làm du lịch thích ứng biến đổi khi hậu; những kỹ năng cần có của người nông dân khi tham gia làm du lịch…

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn tại Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo Sở Văn Hóa Thể Thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được giấy phép; trong đó có 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 22 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Tỉnh cũng có gần 100 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng trên 3.000 khách; trên 50 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch, trong đó có 9 điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện, 40% đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tổ chức loại hình dịch vụ homestay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhiều nông dân đã nắm bắt đúng xu thế, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả.

Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-dan-gap-kho-khi-lan-san-sang-lam-du-lich-nong-nghiep-nong-thon/313982.html