Nông dân Khmer làm giàu từ chăn nuôi bò

Nhờ làm ăn uy tín, trang trại bò Sầm Ron của ông Chau Sóc (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, Tri Tôn) được bạn hàng gần xa biết đến. Từ việc kinh doanh bò đã đem lại thu nhập cho ông Chau Sóc khoảng 100 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh đó, ông Chau Sóc còn là một trong những nông dân có nhiều đóng góp xây dựng các công trình xã hội địa phương.

Từ lâu, trại bò Sầm Ron của gia đình ông Chau Sóc là một trong những điểm đến quen thuộc của nhiều nông dân đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Tại đây, nông dân không những được chọn những con giống chất lượng, mà còn được tư vấn kỹ thuật chăm sóc một cách nhiệt tình.

Đưa chúng tôi ra thăm khu vực chăn nuôi được vệ sinh sạch sẽ, ngắm những con bò béo khỏe, lông bóng mượt, ông Chau Sóc tâm sự: “Trước đây, cũng giống như nhiều nông dân khác, kinh tế chủ yếu của gia đình tôi là trồng lúa và nuôi bò. Nhận thấy việc chăn nuôi bò đang ngày càng phát triển, nhu cầu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cấp con giống tại địa phương còn hạn chế nên tôi quyết định chuyển sang mô hình kinh doanh giống vật nuôi này”.

Ông Chau Sóc là một trong những nông dân gương mẫu

Nhờ chí thú làm ăn, từ vài con bò ban đầu, năm 2005, ông Chau Sóc mở rộng trang trại chăn nuôi của mình, nâng số lượng bò giống để bán cho nông dân. Cách vài ngày, ông đến các trại bò ở các địa phương trong huyện và địa phương lân cận để lựa những con bò tơ to khỏe, có nguồn gốc từ Campuchia mang về bán lại. Trong quá trình chăn nuôi, ông Chau Sóc rất quan tâm đến việc vệ sinh chuồng trại và tiêm vaccine phòng bệnh. Nhờ vậy, đàn bò giống của trang trại thường được các thương lái tìm đến để mua bò. “Số lượng bò bán không ổn định. Có tháng bán được vài chục con, có tháng bán không được con nào. Tuy nhiên, nguồn lợi thu lại khá ổn định. Bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng” - ông Chau Sóc chia sẻ.

Khi được hỏi “bí quyết” trong việc kinh doanh bò hiệu quả, ông Chau Sóc chia sẻ: “Mình làm ăn phải tính tới chuyện lâu dài. Để làm được như vậy, uy tín và chất lượng là quan trọng nhất. Mỗi khi mua bò con về bán, tôi thường lựa chọn những con có dáng đẹp, chất lượng. Sau khi mua về, bò được tiêm ngừa định kỳ nên khách hàng khá an tâm khi mang bò về chăn nuôi”. Từ việc chăn nuôi bò đã giúp gia đình ông Chau Sóc cải thiện kinh tế gia đình. Từ 1ha đất ruộng, ông Chau Sóc tích góp tiền, mở rộng diện tích lên 3ha. Trong đó có 0,5ha trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò.

Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng làm ăn, cuộc sống của gia đình ông Chau Sóc ổn định và hạnh phúc. Không chỉ có “của ăn của để”, ông còn xây dựng được căn nhà khang trang và mua sắm phương tiện đi lại. Niềm vui nhân lên khi các con của ông đều đã trưởng thành, lần lượt tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học và có công việc ổn định. Hiện gia đình ông Chau Sóc có 4 người con, trong đó có 3 người học đại học (2 người ra trường và đã có việc làm ổn định), 1 người đang học phổ thông với thành tích học tập khá tốt. Điều này đã tạo động lực cho ông Chau Sóc tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc cũng như cuộc sống. Ông Chau Sóc chia sẻ: “Nhiều người cứ nghĩ cho con học cao rồi cũng đi làm công nhân. Nhưng tôi cho rằng, suy nghĩ như vậy là không đúng. Học nhiều để biết nhiều, để nhận thức đúng đắn những vấn đề trong cuộc sống. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng động viên, khuyến khích con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Việc duy trì hoạt động của trang trại bò Sầm Ron còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 250.000-350.000 đồng/ngày. Đặc biệt mỗi năm, ông Chau Sóc còn tích cực đóng góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương từ 20-30 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo khi đến mua bò cũng được ông ưu đãi về giá cả, kỹ thuật sản xuất… qua đó tạo điều kiện cho họ thoát nghèo.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con ăn học thành tài, ông Chau Sóc đã được Hội Nông dân các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trong nhiều năm liền. Gia đình ông Chau Sóc là một gia đình mẫu mực ở địa phương để người khác noi theo.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nong-dan-khmer-lam-giau-tu-chan-nuoi-bo-a258774.html