Nông dân lại lo giá lúa giảm!

Thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2021. Vụ này, do phân bón, vật tư đầu vào tăng giá làm chi phí sản xuất tăng mạnh, nông dân rất kỳ vọng lúa trúng mùa, bán được giá cao, có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, giá lúa đang có xu hướng giảm, nông dân không khỏi lo lắng.

Nông dân ở huyện Thới Lai chăm sóc lúa hè thu 2021.

Nông dân ở huyện Thới Lai chăm sóc lúa hè thu 2021.

Chi phí sản xuất tăng

Vụ hè thu do đồng ruộng không được bồi bổ phù sa và thời tiết nhiều bất lợi nên năng suất lúa chắc chắn không bằng vụ đông xuân vừa rồi. Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa vụ này thường tăng do nông dân phải tốn thêm các chi phí bơm nước và tăng lượng sử dụng phân bón so với vụ đông xuân. Từ đầu vụ hè thu đến nay, nhìn chung nguồn nước phục vụ cho sản xuất được đảm bảo tốt và nông dân cũng tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao nên chi phí sản xuất lúa đã tăng đáng kể so với các vụ lúa trước.

Ông Phạm Thành Văn ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, có 12 công lúa OM 380 vụ hè thu, cho biết: "Chi phí sản xuất tăng ít nhất khoảng 300.000 đồng/công so với vụ đông xuân. Do giá nhiều loại phân bón tăng cao từ 150.000-200.000 đồng/bao so với trước và đầu vụ gặp thời tiết nắng hạn, phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nước và phòng trừ cỏ dại. Vụ này tôi dự đoán năng suất chỉ đạt 600-700kg trở lại. Do vậy, nông dân kỳ vọng lúa vụ này bán được giá cao thì mới có lời. Tuy nhiên, gần đây giá lúa có chiều hướng giảm, nông dân không khỏi lo lắng, đặc biệt là những nông dân chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Phong ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, có 14 công lúa sạ giống IR 50404, cũng cho biết: “Vụ này, chi phí sản xuất tăng mà lúa lại không trúng, tôi ước chỉ đạt năng suất khoảng 600kg lúa tưới/công, nên phải bán được giá từ 6.000 đồng/kg trở lên tôi mới có thể kiếm lời 1,5-2 triệu đồng/công. Hiện lúa của gia đình tôi đã chín và chuẩn bị thu hoạch”. Cũng theo ông Phong, nhờ chủ động tìm mối lái bán lúa từ khá sớm nên được thương lái đặt tiền cọc 500.000 đồng/công với giá 6.000 đồng/kg (cao hơn 600 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước). Tuy nhiên, gần đây giá lúa giảm, tới thu hoạch thương lái có thể đòi hạ giá thu mua...”.

Cần giải pháp kịp thời

Sau một thời gian tăng lên ở mức cao kỷ lục, gần đây giá gạo xuất khẩu của nước ta có chiều hướng giảm trở lại so với những tháng đầu năm 2021. Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh lúa gạo đã có động thái giảm giá thu mua nhằm hạn chế rủi ro về phần mình. Cách nay 2-3 tuần, thương lái tìm đến tận nhà những hộ dân có sản xuất lúa hè thu để đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.900-6.100 đồng/kg đối với lúa IR 50404 và nhiều giống lúa 0M 380, OM 5451, OM 18... Tuy nhiên, hiện nay thương lái tạm thời không còn thu mua lúa với mức giá cao như trên. Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Trường Ðông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Hơn 4 công ruộng của tôi may mắn đã được thương lái thỏa thuận mua với giá 5.900 đồng/kg, chứ bây giờ những hộ dân chưa chịu nhận tiền cọc trước đó, thì nay thương lái đã giảm ít nhất 400-500 đồng/kg. Nguyên nhân được thương lái nêu ra là do giá gạo xuất khẩu giảm, cũng như do tình hình mưa gió liên tục trong những ngày qua khiến việc thu hoạch và thu mua lúa gặp khó”.

Tình hình mưa gió trong những ngày qua là nguyên nhân chính làm giá lúa giảm nhanh. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta dù có giảm so với các tháng trước nhưng vẫn ở mức rất cao so với cùng kỳ các năm trước. Chất lượng gạo của nước ta đã được nâng cao, đầu ra xuất khẩu có nhiều thuận lợi và thị trường xuất khẩu gạo được mở rộng sang nhiều thị trường khó tính. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, giá lúa gạo trong ngắn hạn sẽ khó giảm sâu, nông dân cần bình tĩnh để có thể thỏa thuận bán lúa với mức giá hợp lý. Nông dân do không có điều kiện phơi sấy nên đều chọn giải pháp bán lúa tươi tại ruộng ngay sau thu hoạch. Ðây là vấn đề nông dân cần thay đổi trong tương lai nhằm có thể bán được lúa giá cao hơn. Nông dân cần tăng cường liên kết và phát huy vai trò của các hợp tác xã và tổ hợp tác trong thực hiện khâu phơi sấy và trữ lúa sau thu hoạch chờ thời điểm có giá tốt mới bán. Qua đó, cũng tránh được tình trạng bị động khi lúa chín vào các thời điểm có mưa gió cần thu hoạch ngay mà thương lái chậm thu mua, nông dân phải chờ đợi, dẫn đến lúa có thể bị giảm năng suất và chất lượng.

Vụ hè thu 2021, nông dân TP Cần Thơ gieo trồng được 75.194ha lúa, cao hơn 179ha so với cùng kỳ, đạt 104,1% so với kế hoạch. Vụ này, nông dân trên địa bàn thành phố chủ yếu gieo trồng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 380, OM 18, OM 4218, Ðài Thơm 8… Trong đó, giống OM 5451 chiếm tỷ lệ 73,2%, giống OM 380 chiếm tỷ lệ 5,9%. Riêng giống IR50404 chỉ chiếm 9,5% trên tổng diện tích xuống giống. Lúa hè thu 2021 đang chủ yếu ở giai đoạn trổ đến chắc xanh, chín chuẩn bị thu hoạch và đã có một số diện tích được thu hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ bệnh đạo ôn cổ bông và cháy bìa lá để quyết định biện pháp phòng trị kịp thời. Nhắc nhở nông dân giữ nước trên ruộng từ 3-5cm để cây lúa đủ nước giữ lá luôn xanh, giúp hạt vào chắc tốt. Trong tình hình mưa bão thất thường như hiện nay, trên một số trà lúa chín sớm, cần vận động bà con nông dân chủ động các phương tiện thu hoạch, vận chuyển đảm bảo thu hoạch được thuận lợi và hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch.

Tính đến ngày 2-6, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 108ha lúa hè thu được thu hoạch, năng suất ước đạt 53,1 tạ/ha.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nong-dan-lai-lo-gia-lua-giam--a134302.html