Nông dân miền Đông về miền Tây học tập làm nông

Vừa qua, Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Dương tổ chức đoàn cán bộ đi tham quan học tập kinh nghiệm của một số mô hình sản xuất tại các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng. Ông Đỗ Ngọc Huy - Chủ tịch Hội ND tỉnh làm Trưởng đoàn…

Từ Hội quán của nông dân…

Đến huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), đoàn đã tham quan học tập mô hình tổ chức, hoạt động của Hội quán Nông dân tại Hòa Tâm Hội quán (xã Phong Hòa). Đoàn được giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, quá trình thành lập và cách thức hoạt động của các Hội quán. Mô hình Hội quán nông dân đang được các cấp Hội và các ngành đánh giá cao.

Mô hình Hội quán nông dân ở Lai Vung đã được nhân rộng ra tổng số 8 đơn vị, với 402 thành viên tham gia chuyên về liên kết sản xuất cây có múi, hoa kiểng, cây ăn trái. Đoàn công tác tỉnh Bình Dương đặc biệt ấn tượng và quan tâm về sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy cùng cấp, vai trò của Hội ND và các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng khác đối với hoạt động của Hội quán; những chính sách hỗ trợ, công tác tập hợp hội viên, khả năng liên kết tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn...

Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tham quan vườn bưởi của Hợp tác xã Kế Thành (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Ảnh: Nguyễn Oanh

Đoàn cán bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tham quan vườn bưởi của Hợp tác xã Kế Thành (xã Kế Thành, huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Ảnh: Nguyễn Oanh

Ông Hồ Ngọc Lợi - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Đến nay, Đồng Tháp có Hội quán trải đều trên 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 68 Hội quán. Riêng huyện Lai Vung đã thành lập được 8 Hội quán và chuẩn bị thành lập thêm 1 Hội quán. Các Hội quán đều do nông dân đồng tình lập ra để sinh hoạt, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản, cùng chung tay với chính quyền trong xây dựng nông thôn mới.

Với tinh thần tự nguyện, Hội quán ra đời không chỉ giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà từng bước phát huy vai trò tự lực, tự chủ, tự quản cùng chung tay xây dựng quê hương”.

…đến hợp tác xã kiểu mới

“Nếu không sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), sản phẩm bưởi da xanh Kế Thành sẽ bị các vùng sản xuất bưởi khác qua mặt, không còn giữ được lợi thế như hiện nay”.

Đại diện HTX xã Kế Thành

Đến tỉnh Sóc Trăng, đoàn tỉnh Bình Dương tham quan mô hình trồng bưởi Năm roi, da xanh của Hợp tác xã Kế Thành, xã Kế Thành, huyện Kế Sách. Đại diện HTX cho biết HTX có 15 thành viên với diện tích trồng bưởi da xanh là 18,3ha, sản phẩm bưởi da xanh của HTX được thị trường biết tiếng và ưa chuộng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng ngon. Tuy nhiên, để tăng giá trị và sức cạnh tranh, phát triển bền vững, sản phẩm bưởi da xanh còn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Từ đó, HTX đã khắc phục nhiều khó khăn để xây dựng mô hình sản xuất cây bưởi da xanh theo quy trình VietGAP thành công.

Trong quá trình HTX thực hiện mô hình, các nội dung đã được triển khai gồm đào tạo nhận thức và tiêu chuẩn VietGAP cho 30 học viên, gồm 15 hộ là thành viên HTX và 15 hộ trồng bưởi trong khu vực; xây dựng và áp dụng hệ thống hồ sơ tài liệu và thực hành theo VietGAP…

Việc xây dựng cơ sở vật chất và trang bị bảo hộ lao động, y tế cho thành viên HTX cũng được triển khai. Đó là tiến hành xây dựng 7 ô pha thuốc bảo vệ thực vật; 6 nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, dụng cụ bảo quản phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 1 nhà vệ sinh; trang bị bảo hộ lao động, hộp y tế cho 8 hộ thực hiện mô hình.

Kết quả, HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 8 hộ với 11,5ha bưởi da xanh, sản lượng 600 tấn/năm. Đại diện HTX chia sẻ: “Nếu không sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), sản phẩm bưởi da xanh Kế Thành sẽ bị các vùng sản xuất bưởi khác qua mặt, không còn giữ được lợi thế như hiện nay”. Do đó, các thành viên trong HTX và các nhà vườn vệ tinh phải duy trì, cải tiến và mở rộng việc sản xuất theo quy trình VietGAP

Cũng tại Sóc Trăng, Đoàn Hội ND tỉnh Bình Dương tiếp tục tham quan Công ty Thiên Vạn Tường chuyên sản xuất và cung cấp meo giống, phôi giống linh chi, nấm nguyên tai, nấm thái lát, nấm xay, rượu linh chi, trà túi lọc linh chi, linh chi kiểng; nấm và phôi nấm bào ngư, nấm tươi, nấm hộp, nấm muối; nấm rơm chất lượng, nấm tươi, nấm muối; đông trùng hạ thảo, tươi, khô, rượu đông trùng hạ thảo.

Quy trình sản xuất chặt chẽ, khép kín là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình sản xuất của công ty nhằm đảm bảo đem đến tay người tiêu dùng những sản phẩm nấm chất lượng nhất.

Quy trình này yêu cầu một sự quản lý chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào phải bảo đảm đó là mạt cưa cao su nguyên chất 100% (nguyên liệu chính dùng để làm ra bịch phôi nấm), bên cạnh đó thành phần thêm vào bịch phôi cũng phải bảo đảm hữu cơ 100% do đó khâu nhập phân trùn quế và ủ phân trùn cũng đòi hỏi việc giám sát chặt chẽ. Bịch phôi được làm ra sẽ được đưa sang lò hơi để tiệt trùng. Sau công đoạn này sẽ đến công đoạn cấy phôi. Việc cấy phôi được diễn ra trong phòng kín có trang bị đèn UV và công nhân làm việc trong phòng cấy phôi phải có tay nghề cao và tính kiên nhẫn. Công suất 15.000 bịch phôi/tuần và cho ra sản lượng nuôi trồng nấm ăn khoảng 300kg/ngày, nấm dược liệu khoảng 500 kg/tháng.

Trong tương lai gần, công ty đang lên kế hoạch đưa các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu với tiêu chuẩn sản phẩm an toàn hữu cơ vào các hệ thống siêu thị nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng ngày một tốt hơn.

Nguyễn Thị Oanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/nong-dan-mien-dong-ve-mien-tay-hoc-tap-lam-nong-979321.html