Nông dân Nghệ An phấn khởi vì quả cam Vinh tăng giá

Mặc dù sản lượng giảm sút, tuy nhiên giá cam Vinh (ở Nghệ An) dịp gần Tết tăng mạnh nên hầu hết các chủ vườn đều có lãi.

Gần Tết, quả cam Vinh tăng giá so với mọi năm.

Những ngày qua, nhiều vườn trồng cam Vinh ở các huyện Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... (Nghệ An) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, thương lái nhộn nhịp ra vào mua hàng.

Có hơn 100 gốc cam trồng trong vườn, chị Phan Thị Bình (SN 1972, trú tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) cho biết, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng quả thấp hơn mọi năm. Đầu năm, trời mưa nhiều nên tỷ lệ đậu hoa đạt thấp, đến khi cam lớn lại gặp mưa khiến quả bị rụng.

"Sản lượng giảm nên giá cam tăng, thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 35.000-50.000 đồng/kg tùy loại. Do cam ít nên chắc chắn càng gần Tết thì giá sẽ càng tăng, chứ không giảm như năm ngoái", chị Bình chia sẻ và cho biết thêm, vào thời điểm này năm ngoái, 1kg cam chỉ có giá từ 25.000-30.000 đồng nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Những vườn trồng cam Vinh bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Mặc dù sản lượng giảm sút nhưng giá cam tăng nên các chủ vườn vẫn có lãi.

Trồng 10ha cam theo hướng hữu cơ đạt chuẩn VietGAP, anh Trương Nhật Tiến (SN 1978, trú tại xã Đồng Thành) cho biết, ước tính vườn cam sẽ đạt trên 100 tấn. So với các năm trước thì mùa vụ này, cam chín muộn hơn 10-15 ngày.

Vì trồng nhiều nên người đàn ông này phải thuê 15 người hái cam liên tục trong nhiều ngày qua để kịp các đơn hàng cho thương lái. Theo anh Tiến, ngoài cung ứng cho thương lái đến thu mua tại vườn, các vườn cam trên địa bàn xã Đồng Thành còn bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Vào thời điểm này năm ngoái quả cam Vinh rớt giá vẫn không có đầu ra.

Thương lái thu mua cam rồi mang đi tiêu thụ ở thành phố Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội.

Anh Nguyễn Văn Đức (trú xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) - thương lái chuyên thu mua cam Vinh cho biết, mỗi ngày anh thu mua 2-3 tấn cam Vinh trên địa bàn huyện Yên Thành và nhập cho các cửa hàng trên địa bàn TP Vinh và đưa ra tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội...

“Năm nay diện tích cam Vinh giảm, sản lượng cũng giảm do thời tiết không thuận lợi. Cam Vinh khan hiếm hơn mọi năm, do đó càng giáp tết giá sẽ càng tăng”, anh Đức nhận định.

Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết, toàn xã hiện có hơn 130ha cam Vinh, chủ yếu là giống cam Xã Đoài lòng vàng và Vân Du. Trong số này, có gần một nửa diện tích cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Cây cam giúp người dân có thu nhập ổn định, dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, giúp nhiều hộ có doanh thu lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm.

“Tuy không được mùa như mọi năm nhưng năm nay lại được giá nên cũng bù lại cho nông dân. Năm nay toàn xã ước tính đạt 1.400 tấn cam, cho thu nhập trên 50 tỉ đồng. Dự kiến giá cam sẽ tiếp tục tăng nhưng phần lớn các chủ vườn đều đã thu hoạch đại trà, chỉ trừ cam tết cho những đơn hàng đã đặt trước”, ông Tuấn nói.

Mặc dù bên ngoài không đẹp mắt nhưng cam Vinh có hương vị ngon ngọt đặc trưng.

Cam Vinh là tên gọi chung của các giống cam được trồng ở các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An. Một số giống cam Vinh nổi tiếng phải kể đến như Xã Đoài, Sông Con, Vân Du và cam V2.

Đặc trưng nổi bật của những trái cam Vinh đó là hương thơm nồng, vị ngọt thanh mát. Tuy bên ngoài không bắt mắt nhưng hương vị của cam Vinh khó nhầm lẫn với các giống cam khác.

Năm 2022, tỉnh Nghệ An có hơn 4.000ha cam Vinh, tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn... Trong đó, có 220ha trồng cam áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; hình thành được nhiều vùng sản xuất cam VietGAP, GlobalGAP với trên 150ha trồng cam được cấp chứng nhận.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-dan-nghe-an-phan-khoi-vi-qua-cam-vinh-tang-gia-post620122.html