Nông dân ồ ạt chia tay cây mía

Hơn 3 năm qua, người nông dân trồng mía ở các huyện Đông và Đông Nam Gia Lai luôn đối mặt với giá cả liên tục giảm mạnh, thời tiết khắc nghiệt hạn hán kéo dài, dịch bệnh triền miên… Vì vậy, người dân nơi đây đã ồ ạt chia tay cây mía, chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ông Trần Văn Tạm (áo trắng) đã bỏ trồng mía sang cây mì. Ảnh: KN

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai, tổng diện tích mía toàn tỉnh niên vụ mía 2017 - 2018 là hơn 42.000ha, vượt 25.000ha so với quy hoạch của tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Đăk Pơ, Phú Thiện, Kông Chro, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa... Nhưng đến niên vụ 2018 - 2019 này, diện tích mía giảm mạnh do giá cả thấp, dịch bệnh, hạn hán kéo dài...

Chúng tôi tìm đến huyện Phú Thiện trong những ngày cuối tháng 8/2019, đây là vùng đất đầu tiên của khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai trồng mía. Người dân nơi đây đã có hơn 20 năm gắn bó với loại cây trồng này. Với bà con Phú Thiện thì cây mía luôn là cây trồng chủ lực, mang lại cho họ thu nhập cao, ổn định cuộc sống.

Những năm trước đây, hầu hết người dân ở đây đều trồng mía, nhà ít thì vài héc ta, nhà nhiều thì trên chục héc ta. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nên cây mía phát triển rất tốt, năng suất trung bình đạt trên 80 tấn/ha cộng với giá cả cao và ổn định nên đời sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện về thời trồng mía hoàng kim của những năm trước, còn từ năm 2016 đến nay cuộc sống người dân đang gặp nhiều khó khăn, thu nhập trở nên bấp bênh. Thời gian qua giá mía giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người trồng, đây là lý do chính khiến người dân ồ ạt quay lưng với loại cây trồng này.

Ông Trần Văn Tạm (SN 1945), trú tại thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện cho biết: “Từ trước đến nay cây mía chính là cây trồng chủ lực mang lại cuộc sống đầy đủ và sung túc cho gia đình tôi cũng như người dân nơi đây. Riêng gia đình tôi có hơn 5ha mía, mỗi năm gia đình lãi trên dưới 300 triệu đồng… Thế nhưng mấy năm gần đây, giá mía liên tục giảm mạnh, cây mía không cho năng suất cao do thường xuyên đối mặt với hạn hán, dịch bệnh, khiến chúng tôi ngày càng không mặn mà trồng mía”.

Tương tự như Phú Thiện, người nông dân trồng mía tại huyện Đăk Pơ cũng đang điêu đứng với loại cây trồng này. Gia đình bà Nguyễn Thị Bắc ở thôn 1, xã Hà Tam từng được người dân nơi đây biết đến là hộ gia đình phát triển kinh tế giỏi nhờ việc trồng mía. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm sâu, thu không đủ bù chi phí đầu tư nên bà Bắc đã chuyển hơn một nửa diện tích đất sang trồng các loại cây khác. Bà Bắc phân trần: “Trước đây gia đình tôi trồng 15ha mía cùng 3 xe tải nhận thu mua, vận chuyển mía cho nhà máy đường An Khê. Công việc này tạo thu nhập khá ổn định cho gia đình. Nhưng từ cuối năm 2016, giá mía liên tục giảm mạnh, chi phí đầu tư vào phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch… lại tăng lên. Chính vì vậy, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, do đó tôi đã quyết định chuyển sang trồng các loại cây khác với mong muốn bù đắp lại chi phí từ việc trồng mía thất bại…”.

Anh Đinh Quốc Thủy (huyện Ia Pa) chuẩn bị giống mì để trồng thay mía. Ảnh: KN

Còn tại huyện Ia Pa, người trồng mía không chỉ đối mặt về việc giá thành giảm mà còn lao đao với tình trạng bệnh trắng lá mía đang có xu hướng tăng mạnh tại đây. Bên cạnh đó, thực trạng thu mua của các nhà máy đường trên địa bàn đang tồn tại nhiều bất cập, cũng là nguyên nhân khiến người trồng mía không còn mặn mà và ồ ạt bỏ trồng mía. Anh Đinh Quốc Thủy, thôn Kim Năng, xã Ia Mrơn nói trong bức xúc: “Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 150 tấn từ 2ha rẫy, nhưng 3 năm nay phần lớn diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá nên chỉ thu được hơn 70 tấn, giảm hơn một nửa. Đặc biệt nhà máy đường lại ép giá, do đó tôi quyết định bỏ cây mía chuyển sang trồng cây khác với hy vọng đem lại thu nhập ổn định hơn”.

Đứng trước việc nhà máy đường ép giá và cây mía bị dịch bệnh, người dân huyện Kông Chro cũng đã ồ ạt bỏ trồng cây mía. Ông Nguyễn Văn Thanh, thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro chán nản nói: “Vốn đầu tư vào cây mía khá nhiều, trong khi đó nhà máy đường liên tục ép giá nên tôi đã quyết định chuyển sang trồng mì với hy vọng sẽ khắc phục được phần nào kinh tế cho gia đình”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (huyện Kông Chro) chuẩn bị hom mì để trồng. Ảnh: KN

Lý giải về việc nông dân ồ ạt bỏ trồng mía, ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kông Chro, cho rằng: “Nếu như giá mía hiện nay 700.000 đồng/tấn 10 chữ đường của niên vụ mía 2018 - 2019, với năng suất bình quân mỗi héc-ta đạt 60 tấn, thì sau khi trừ chi phí đầu tư người nông dân không có lãi hoặc lỗ từ 1 đến 3 triệu đồng/ha. Thực tế trên địa bàn nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc trồng mía. Người dân đã bỏ cây mía để chuyển sang trồng các cây khác, chủ yếu là cây mì. Hiện, diện tích mía chuyển sang trồng cây mì trên địa bàn là trên 500ha. Ngoài ra, nông dân cũng chuyển sang trồng một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Na Thái, thanh long, dứa...”.

Nhằm duy trì ổn định diện tích mía, phát triển theo đúng định hướng, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Gia Lai khẳng định: “Cây mía hiện vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh và là một trong số ít cây trồng có mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân. Do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân các địa phương chia sẻ khó khăn với ngành Mía đường, duy trì, phát triển ổn định diện tích mía... Thực tế, việc người dân ồ ạt bỏ trồng mía để chuyển đổi sang trồng mì, điều, đậu các loại đều là tự phát và không có quy hoạch. Do vậy, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi có người chuyển đổi cây trồng thành công nhưng cũng rất nhiều nông dân thất bại”.

Khuất Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/nong-dan-o-at-chia-tay-cay-mia_t114c1159n152954