Nông dân Pháp phản đối Hiệp định thương mại EU-Canada

Nhiều nghị sỹ Pháp bỏ phiếu ủng hộ CETA đã phải đối mặt với những hành vi quấy phá từ những người phản đối hiệp định này.

Một tuần sau khi Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (gọi tắt là CETA), nhiều nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ CETA đã phải đối mặt với những hành vi quấy phá từ những người phản đối hiệp định này, đặc biệt là những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh minh họa: AFP.

Ảnh minh họa: AFP.

Ngày 23/7 vừa qua, Quốc hội Pháp đã chính thức thông qua Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện giữa EU và Canada (gọi tắt là CETA) với 266 phiếu ủng hộ, nhưng có tới 213 phiếu chống và 74 phiếu trắng. Đáng chú ý, phần lớn những nghị sỹ ủng hộ Hiệp định thương mại này đều thuộc liên đảng cầm quyền là Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) và Phong trào Dân chủ (Modem). Thậm chí, một số nghị sỹ thuộc liên đảng cầm quyền đã bỏ phiếu phản đối.

Thất vọng trước việc các nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ CETA, nhiều công đoàn của người nông dân Pháp đã tiến hành quấy phá nhằm vào trụ sở làm việc của nhiều nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền LREM. Kể từ ngày 23/7 đến ngày 30/7, văn phòng làm việc của ít nhất 8 nghị sỹ đảng cầm quyền đã bị phá hoại như đập kính, đổ chất thải với số lượng lớn hay thậm chí xây tường bịt lối ra vào. Các tổ chức này cáo buộc các nghị sỹ được người dân bầu ra để bảo vệ quyền lợi của địa phương, trong đó có quyền lợi của những người nông dân, nhưng họ đã làm không thể làm được điều này.

Nhiều nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền đã lên án các hành vi bạo lực và phá hoại nói trên. Người phát ngôn đảng Nền Cộng hòa Tiến bước, bà Aurore Bergé cho rằng, đây là các hành vi bạo lực không thể chấp nhận được, là mối nguy đối với toàn xã hội.

Bà Aurore Bergé nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ với người nông dân rằng, chúng ta có quyền tranh luận nhưng không có quyền phản đối lá phiếu của các nghị sỹ bằng cách dùng vũ lực. Như vậy sẽ không còn là nền dân chủ nữa. Chúng tôi đã được bầu ra. Chúng tôi đã làm việc trong hai năm rưỡi về Hiệp định CETA. Chúng ta có quyền có những khác biệt giữa các nền dân chủ. Chúng ta có quyền có những hiệp định thương mại và có quyền bàn luận, trong đó có thể thông qua các cuộc thảo luận công khai”.

Trước mắt, Bộ Nội vụ Pháp cho biết sẽ tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo an toàn cho các nghị sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp định CETA. CETA là hiệp định thương mại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các đảng đối lập trên chính trường Pháp cũng như một bộ phận người dân, đặc biệt những người làm việc trong ngành nông nghiệp.

Những người phản đối cáo buộc Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Canada không chú trọng đúng mức tới vấn đề bảo vệ môi trường, chuyển đổi sinh thái, có thể gây ra các nguy cơ về an toàn, vệ sinh thực phẩm và y tế do các tiêu chuẩn của Canada không chặt chẽ như tại EU. Ngoài ra, hiệp định này cũng bị cáo buộc sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Pháp./.

Huỳnh Điệp/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nong-dan-phap-phan-doi-hiep-dinh-thuong-mai-eucanada-938716.vov