Nông dân sản xuất lúa sạch

Sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ đang mở ra hướng đi triển vọng và bền vững, không chỉ giúp nông dân giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo ra nông sản an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm Gạo hữu cơ HP1 của xã Hòa Phước (H. Hòa Vang) tại phiên chợ giao lưu hàng nông sản.

Nhiều nông dân An Trạch cho biết, nếu như làm lúa truyền thống, mỗi vụ phải phun từ 8 - 10 lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì sản xuất lúa hữu cơ chỉ phun 3 lần. Thuốc BVTV là thuốc sinh học nên không lo độc hại. Đã không tốn thời gian làm cỏ bờ ruộng mà còn có cỏ sạch cho trâu, bò ăn nữa. Vụ hè - thu năm 2018, bà con tiếp tục sử dụng giống BT7 với sản lượng đạt hơn 60 tạ/ha. Ngoài việc tiết kiệm được công chăm bón, phân bón, thuốc BVTV, trung bình mỗi sào lãi hơn 1,5 triệu đồng, mô hình còn cung cấp kiến thức, giúp người nông dân thay đổi tư duy về sản xuất lúa sạch... "Trước đây, khi nghe nói làm lúa sạch mà không bón nhiều phân, phun nhiều thuốc trừ sâu thì còn đâu lúa mà ăn? Nhưng qua sản xuất, chúng tôi đã rành về kỹ thuật và nhận ra lợi ích của cách làm này. Quy trình sản xuất lúa sạch có rất nhiều lợi ích mà chỉ có những người sản xuất trực tiếp mới biết. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, cấp chứng chỉ tham gia mô hình, được cấp sổ ghi chép nhật ký quá trình sản xuất đồng ruộng như sử dụng giống, phân bón, chất bổ sung, thuốc BVTV sinh học, đúng liều lượng, sản phẩm và thời gian quy định" - lão nông Nguyễn Hạ chia sẻ.

Còn ở các thôn Thái Lai, Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn), thôn 5 (xã Hòa Khương) vụ hè - thu năm nay là vụ đầu tiên hơn 150 hộ dân sản xuất thử nghiệm lúa sạch, lúa hữu cơ trên diện tích gần 40ha do Sở NN&PTNT TP hỗ trợ 100% lúa giống OM4900, BC15 và 50% vật tư, phân bón cùng kỹ thuật canh tác. Ông Ngô Văn Trương (thôn 5) cho biết, mô hình này được người dân đánh giá cao không chỉ ở hiệu quả năng suất bình quân cao hơn sản xuất truyền thống từ 5 - 7 tạ/ha, tạo ra hạt gạo chất lượng, an toàn mà về lâu dài còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp TP, huyện cần nhân rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, từng bước giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Qua khảo sát thị trường hiện nay cho thấy, gạo hữu cơ sản xuất tại thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) đang bán với giá 180 - 200 ngàn đồng/10kg, gạo hữu cơ sản xuất tại thôn Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), Trường Định (xã Hòa Liên) cũng bán với giá tương tự. Trong khi đó, gạo sản xuất thông thường được bán với giá 120 - 140 ngàn đồng/10kg...

Được biết, Hòa Vang hiện có hơn 200ha chuyên canh lúa hữu cơ. Các cánh đồng đều sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc BVTV, góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người nông dân và tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang được nông dân huyện chú trọng và sản xuất nhiều. Bên cạnh đó, để duy trì và nhân rộng vùng liên kết sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường thì người nông dân cũng cần được giới thiệu tuyên truyền, hỗ trợ tích cực trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, giúp kết nối bền vững với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_195182_nong-dan-san-xuat-lua-sach.aspx