Nông dân Tây Nguyên trữ tiêu chờ giá tăng

Thời điểm này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch gần xong hồ tiêu niên vụ 2016-2017. Tuy nhiên, với giá hồ tiêu giảm mạnh như hiện nay, bà con rất lo lắng; nhiều người có tư tưởng găm hàng chờ giá lên.

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch gần xong hồ tiêu niên vụ 2016-2017.

Giá giảm

Theo khảo sát của chúng tôi, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đang giảm mạnh, cụ thể tiêu khô được thu mua ở mức 95.000 - 97.000 đồng/kg, giảm 17.000 đồng/kg so với cuối tháng 4 và giảm 50.000 - 60.000 đồng/kg so với niên vụ trước. Đặc biệt là giảm tới hơn 100.000 đồng/kg so với thời điểm giá tiêu năm 2012 (220.000 đồng/kg). Đây là mức giảm sâu nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây và chỉ bằng 50% so với thời “hoàng kim”.

Đang đứng trên thang hái tiêu, thấy chúng tôi, anh Nguyễn Lương Phúc ở thôn 6, xã Ea Ning (Cư Kuin - Đắk Lắk), chia sẻ: Hồ tiêu Tây Nguyên sắp hết thời “hoàng kim” rồi, nhà tôi có 1ha đang thu hoạch, năm nay dự kiến thu được khoảng 3 tấn. Với giá giảm mạnh như hiện nay, tôi mất cả trăm triệu đồng.

Không những thế, niên vụ 2016-2017, nhiều hộ phải đối diện với thực trạng hồ tiêu bị bệnh và chết rất nhanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như chất lượng vườn cây. Cụ thể, tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 2.776ha hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại, chiếm 10% tổng diện tích hồ tiêu; Đắk Nông có 2.349ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 642ha.

Nguyên nhân giá tiêu giảm được các chuyên gia đưa ra là do giá tiêu trên thế giới giảm trước sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời cây hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch rộ nên nguồn cung tăng cao. Chưa kể, do giá tiêu cao ngất ngưởng trong thời gian dài đã khiến nông dân Tây Nguyên đổ xô vào trồng tiêu, làm cho diện tích loại cây này tăng mạnh, nguồn cung trở nên dồi dào, các nhà đầu cơ, doanh nghiệp có cơ hội ép giá thu mua để kiếm lời.

Cất trữ chờ giá tăng

Bà Nguyễn Thị Thê ở xã Ea Ninh (Cư Kuin - Đắk Lắk) tâm sự: “Nhà tôi có 6 sào (1 sào Tây Nguyên = 1000m2) hồ tiêu vừa thu hoạch. Năm nay ngoài việc năng suất, sản lượng giảm, giá cả lại xuống dốc không phanh, còn chưa tới 100 ngàn đồng/kg. Do thiếu tiền để trả công thu hái nên tôi mới bán vài tạ, còn trữ lại chờ giá lên mới bán”.

Cũng chung suy nghĩ như bà Thê, ông Lê Văn Hải ở xã Tân Hòa (Buôn Đôn - Đắk Lắk) cho biết: “Nếu giá hồ tiêu vẫn thấp như thời điểm hiện tại, chúng tôi lo lắm. Thu hoạch xong, gia đình có khoảng 1 tấn tiêu. Tuy nhiên, so với những năm trước, giá năm nay giảm khá mạnh, tôi chưa thể bán. Thu hoạch xong, tôi sẽ đóng bao và tạm cất, chờ giá nhích lên mới bán”.

Không chỉ nông dân Đắk Lắk mà người trồng tiêu ở các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Nông… cũng chọn phương án cất trữ với hy vọng chờ giá nhỉnh lên. Điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, đại lý thu mua. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ đại lý thu mua nông sản ở TP. Buôn Ma Thuột, chia sẻ: “Những ngày gần đây, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên liên tục giảm, có thời điểm mỗi ngày mỗi giá khác nhau. Trước đây, giá hồ tiêu cao, chúng tôi mua nhanh, bán nhanh. Năm nay chúng tôi rất khó mua bởi nhiều hộ nông dân “găm” hàng chờ giá nhích lên. Tuy nhiên, theo tôi, tình hình này thời gian tới giá hồ tiêu cũng khó tăng cao”.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để khắc phục tình trạng hồ tiêu mất giá như hiện nay, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay vào các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã kiểu mới… để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư. Ngoài ra, ngành chức năng của các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để đầu tư thâm canh, phát triển cây tiêu bền vững.

Bá Thăng

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nong-dan-tay-nguyen-tru-tieu-cho-gia-tang-post3277.html