Nông dân thu gom tái sinh đào sau Tết

Thời điểm này, các nhà vườn trồng đào đang tranh thủ thời gian thu gom, chăm sóc những gốc đào sau thời gian chơi tết của khách hàng. Thời tiết sau tết nắng ráo rất thuận lợi cho quá trình phục hồi của cây.

Đến với những nhà vườn trồng đào tết tại tổ 8, phường Sông Bằng (Thành phố), chúng tôi thấy không khí nhộn nhịp vận chuyển cây đào về vườn để chăm sóc.

Công việc thu gom gốc đào sau Tết thường bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng và kết thúc sau đó khoảng 20 ngày. Nhưng để có thể chọn được những gốc đào thế đẹp, một số người thu gom bắt đầu khởi hành từ mùng 6 hoặc mùng 7. Theo kinh nghiệm của những người trồng đào, cây đào có 4 giai đoạn sinh trưởng: mùa đông ngủ nghỉ, mùa xuân đâm chồi, nảy lộc nên thời gian chăm sóc và phục hồi cây đào tốt nhất là trước ngày lập xuân hằng năm (tháng 1 - 2 âm lịch). Trong trường hợp không chuẩn bị kịp đất có thể trồng vào tháng 3 - 4 nhưng càng trồng muộn, tốc độ sinh trưởng của cây càng kém và năm đó sẽ không thu được cây cho hoa đẹp.

Những gốc đào thế được các cơ quan, hộ gia đình thuê về chơi tết dài ngày, khi về lại vườn cây cần có quá trình phục hồi bộ rễ để dần thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Vì vậy, từ mùng 7 đến nay, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh khẩn trương thu mua lại các gốc đào trưng bày qua tết về trồng lại.

Ông Hoàng Khánh Tùng cắt tỉa hết cành dăm cho cây sớm phục hồi.

Với 16 năm kinh nghiệm trong việc trồng đào, ông Hoàng Khánh Tùng, tổ 8, phường Sông Bằng (Thành phố) cho biết: Tranh thủ những ngày nắng đẹp sau tết, tôi thu gom và trồng mới hơn 150 gốc đào, những ngày tới tôi tiếp tục gom đào về trồng. Bên cạnh đó, vườn tôi nhận chăm sóc một số gốc đào của khách với giá từ 500 - 1,5 triệu đồng/gốc/năm. Với nhu cầu chơi đào tết của người dân ngày càng cao, gia đình tôi sẽ mở rộng quỹ đất để nhận chăm sóc thêm nhiều gốc đào từ khách hàng. Hy vọng năm nay thời tiết thuận lợi, đào ra hoa, nở đúng dịp để bà con bán được giá cao.

Quá trình chăm sóc đào sau tết rất công phu, đòi hỏi người chăm sóc phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Đối với các gốc đào cũ do quá trình khách trưng bày thường ít được chăm sóc, tưới nước hay cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên việc trồng lại cần phải kỹ hơn. Sau khi đưa những gốc đào về đến vườn, công đoạn đầu tiên là phải làm cho cây tươi trở lại. Mỗi gốc đào sẽ được để trong bóng mát, cắt bớt cành lá, tưới nước, sau vài ngày mới hạ đất, trồng bầu.

Trước khi trồng khoảng một tháng đất phải được đập nhỏ, làm sạch cỏ. Lên luống rộng 1 m, chiều cao luống từ 25 - 30 cm, chiều rộng rãnh 30 cm (tùy thuộc vào kích cỡ của cây). Đối với việc đào hố cho cây, nếu tầng đất dưới rắn chắc (đất sét, đất đá ong…) nên đào hố rộng hơn thay vì đào sâu, đất xấu, nghèo dinh dưỡng cần đào hố to hơn. Để đảm bảo cho cây đào sinh trưởng, phát triển tốt thì khâu chuẩn bị đất là bước quan trọng nhất, vì đào là loại cây không thể chịu được môi trường nước ngập úng nên phải chọn đất trồng đào ở những nơi cao ráo, quang đãng, phải lên luống cao. Vườn trồng đào nên bố trí cạnh hoặc gần nguồn nước, chủ động tưới nước trong điều kiện khô hạn, có rãnh thoát nước tốt, chống úng trong mùa mưa lũ.

Những gốc đào đang bước vào quá trình hồi sinh, mang theo mong ước của người trồng về một mùa vụ mới bội thu.

Cùng với việc chuẩn bị đất tơi xốp, thời điểm trước khi trồng từ 7 - 10 ngày, các hộ trồng đào thường bón lót một lớp thuốc chống mối mọt để diệt trừ các mầm bệnh trong đất. Cùng với đó là cắt tỉa hết cành dăm để tập trung chất dinh dưỡng cho cây sớm phục hồi, nhanh lên mầm mới, loại bỏ đi một số cành thừa, cành sâu bệnh, cành quá yếu, những cành lộn xộn, giữ lại những cành khỏe, phù hợp yêu cầu tạo hình, tạo dáng thế cho cây để tạo ra những cây đào theo ý muốn. Cây đào cần sự hài hòa của độ ẩm, ánh sáng; nắng quá cây bị chột, mưa nhiều cây bị úng, thối rễ cũng hỏng.

Sau khoảng một tháng trồng lại, khi cây đào hồi sức và bén rễ, đảm bảo sống trên đất vườn, người trồng đào mới đánh rãnh xung quanh, tiến hành bón các loại phân chuồng như phân lợn, phân gà ải hoặc phân hữu cơ vi sinh để phân ngấm vào gốc, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Để phòng trừ các loại sâu bệnh đặc trưng của cây đào như sâu đục thân, đục cành, nhện đỏ, rệp sáp trắng, xoăn lá… những người trồng đào luôn phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây, một vụ hoa cũng phải phun cả chục loại thuốc phòng trừ sâu bệnh khác nhau. Nhờ có kinh nghiệm chăm đào lâu năm nên những cây đào của các nhà vườn tại tổ 8, phường Sông Bằng (Thành phố) luôn cho bông nở căng, tươi tắn, thắm sắc.

Hương Sen

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nong-dan-thu-gom-tai-sinh-dao-sau-tet-3167820.html