Nông dân trồng đậu tương lao đao vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cây đậu tương là một trong những sản phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đấu "võ mồm"

Giám đốc điều hành của một trong những xưởng nghiền đậu tương lớn nhất Trung Quốc ngồi trên ghế tọa đàm tại một hội nghị về xuất khẩu nông sản ở thành phố Kansas, Mỹ, lắng nghe một chuyên gia bên cạnh ông giải thích vì sao Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào đậu tương Mỹ để nuôi sống đàn gia súc khổng lồ của mình.

Khi đến lượt phát biểu, Mu Yan Kui tuyên bố trước các khán giả quốc tế trong ngành đậu tương rằng tất cả những gì họ vừa nghe đều sai. Mu sau đó đưa ra một chiến lược gồm 6 phần nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc và tìm kiếm nguồn thay thế cho nguồn đậu tương Mỹ sau khi cuộc chiến về thuế giữa Bắc Kinh và Washington bước vào giai đoạn căng thẳng, theo Reuters.

Đậu tương được chất lên xe tại một trang trại ở Buda, bang Illinois, Mỹ, hồi tháng 7 (Ảnh: Reuters)

“Rất nhiều doanh nghiệp và chính trị gia nước ngoài đã đánh giá thấp quyết tâm của người Trung Quốc trong việc ủng hộ nhà nước trước một cuộc chiến tranh thương mại”, Mu, phó chủ tịch công ty Yihai Kerry, khẳng định.

Những bình luận của Mu phần nào phản ánh sự tự tin của các doanh nghiệp trong ngành đậu tương cũng như chính phủ Trung Quốc rằng họ đủ khả năng tách khỏi sự phụ thuộc vào đậu tương xuất khẩu từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi.

Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới. Chính vì thế, theo Mu, giảm lượng bột đậu tương trong thức ăn chăn nuôi lợn là cách tốt nhất giúp Trung Quốc giảm bớt nhu cầu đối với đậu tương Mỹ. Đây là một trong các chiến lược mà ông đề cao.

Việc cắt giảm tỷ lệ đậu tương cho lợn từ 20% xuống còn 12% đồng nghĩa nhu cầu đậu tương sẽ giảm 27 triệu tấn/năm. Khối lượng này bằng với 82% lượng đậu tương mà Trung Quốc nhập từ Mỹ vào năm ngoái.

Tại hội nghị ở Kansas do Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ tổ chức, Mu nhấn mạnh việc giảm tỷ lệ sử dụng đậu tương như một phần của chiến lược lớn hơn, bao gồm tìm kiếm nguồn protein thay thế, ví dụ như hạt cải dầu hay hạt bông, tận dụng các kho dự trữ đậu tương dư thừa, trong đó có dự trữ của chính phủ, và tự trồng đậu tương nội địa kết hợp tăng cường nhập khẩu đậu tương từ các quốc gia khác như Brazil hay Argentina.

Bài phát biểu của Mu cho thấy một lối suy nghĩ đang được chấp nhận rộng rãi bởi chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngồi cạnh Mu tại hội nghị là Wallace Tyner, nhà kinh tế học tại Đại học Purdue, người trước đó lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ chịu tổn thất tương đương về kinh tế từ cuộc chiến thương mại đối với cây đậu tương.

Ông gọi phát biểu của Mu là một “bài diễn văn chính trị”. Tyner khẳng định các chiến lược mà Mu đưa ra đều có thể thực hiện được nhưng tất cả chúng “đều tốn vô số tiền của”.

Người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Mỹ Tim Murtaugh trong khi đó hạ thấp mối đe dọa của việc Trung Quốc tìm cách thay thế nguồn cung cấp đậu tương từ nước này. “Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại như hiện nay, không bất ngờ khi Trung Quốc nêu ra ý tưởng như vậy”, Murtaugh nói.

Khởi nguồn

Đầu những năm 1980, các nhà vận động hành lang trong ngành nông nghiệp Mỹ đã bán đậu tương cho Trung Quốc với lời hứa rằng sử dụng đậu tương nhập khẩu, họ có thể giảm thiểu thời gian cần để vỗ béo đàn lợn.

Các nhà kinh doanh Mỹ khao khát tiếp cận thị trường Trung Quốc với hơn một tỷ dân và mức thu nhập bình quân đầu người đang ngày càng tăng. Hiệp hội Đậu tương Mỹ đã mở văn phòng ở Bắc Kinh chỉ 4 năm sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc trong khi đó nhìn thấy một cơ hội khác với sự xuất hiện của đậu tương nhập khẩu từ Mỹ: Lợi nhuận và việc làm từ ngành công nghiệp nghiền đậu tương mà họ sẽ xây dựng để xử lý, biến đậu tương thô nhập khẩu thành thức ăn tinh chế và dầu, với các nhà máy chiến lược được đặt gần những cảng biển.

Bắc Kinh nuôi dưỡng ngành công nghiệp này bằng một cơ chế thuế khuyến khích nhập khẩu đậu tương nhưng trừng phạt các sản phẩm đậu tương tinh chế.

Năm 1982, Trung Quốc nhập khẩu 30.000 tấn đậu tương. Năm ngoái, họ nhập 95,5 triệu tấn, trong đó 32,9 triệu tấn đến từ Mỹ, theo số liệu hải quan.

Lo âu

Trung Quốc giờ đây đang tìm kiếm những nhà xuất khẩu đậu tương khác. Các nhà máy xử lý Trung Quốc suốt vài tháng qua cố gắng thu mua nhiều nhất có thể đậu tương từ khu vực Nam Mỹ nhằm làm đầy kho dự trữ.

Hồi tháng 7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đã thảo luận biện pháp để thay đổi chế độ ăn cho lợn với những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc.

Ngày 4/9, giám đốc điều hành công ty chế biến đậu tương Jiusan dự đoán Trung Quốc sẽ chỉ cần mua 700.000 tấn đậu tương từ Mỹ trong mùa cao điểm năm nay, bắt đầu từ tháng 9. Con số này là một mức giảm đáng kể so với lượng thu mua hồi năm ngoái.

Khi chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kết thúc, Bob Metz, một nông dân trồng ngô và đậu tương Mỹ, đang lên kế hoạch giảm diện tích trồng đậu tương vào mùa xuân sang năm. “Nó khiến tôi rất lo lắng”, ông cho hay, bởi Trung Quốc là bên mua hàng cực lớn của đậu tương Mỹ.

James Lee Adams, nông dân đã nghỉ hưu từ Camilla, Georgia, lại lo mối quan hệ sinh lời giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sụp đổ.

“Bạn phải mất thời gian dài để phát triển đối tác thương mại nhưng có thể mất họ chỉ sau một đêm”, Adams nói. “Khi bạn bị biến thành một nhà cung cấp không đáng tin cậy, người ta sẽ bắt đầu nhìn đi nơi khác”.

HOÀNG PHI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-dan-trong-dau-tuong-lao-dao-vi-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-post228081.html