Nông dân trồng quế bán khắp Á - Âu

Những năm qua, nhờ các chính sách xúc tiến thương mại hiệu quả, sản phẩm quế của Việt Nam đã thành công chinh phục nhiều thị trường quốc tế nổi tiếng 'khó tính' như Mỹ, EU, Canada... và các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, đem lại giá trị cao cho người dân. Đặc biệt, các HTX ngày càng đóng vai trò mắt xích vững chắc trong chuỗi giá trị sản xuất quế.

Thống kê cho thấy, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất quế đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD.

“Sống khỏe” với cây quế

Yên Bái đang là một trong những tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất tại Việt Nam, với trên 81 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh.

Cây quế ở Yên Bái tập trung chủ yếu tại huyện Văn Yên (45,2 nghìn ha, chiếm 55,7% diện tích quế toàn tỉnh) và huyện Trấn Yên (19 nghìn ha). Ngoài ra còn có ở một số huyện như Văn Chấn (9 nghìn ha), Lục Yên (5,9 nghìn ha) và Yên Bình (2,1 nghìn ha)…

Để tận dụng thế mạnh, thời gian qua, việc liên kết giữa HTX, doanh nghiệp với người trồng quế được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm nhằm tập trung phát triển, hình thành các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế, quế hữu cơ.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu quế hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu quế hàng đầu thế giới.

Theo thống kê, toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 6.757 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó, huyện Văn Yên 4.612 ha và Trấn Yên 2.145 ha. Các đơn vị sản xuất điển hình có thể kể đến công ty Sơn Hà Văn Yên với 3.541.5 ha, công ty OLam Văn Yên với 1.071 ha, HTX Quế Hồi Việt Nam với 2.100 ha, hay HTX tổng hợp dịch vụ Hồng Ca có 45 ha.

Từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng nên cây quế được coi là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao. Các sản phẩm từ quế tại Yên Bái đang xuất khẩu khắp thế giới, ngoài tinh dầu quế thì một số sản phẩm khác như: trà quế, nước tẩy rửa quế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ quà lưu niệm....

Với giá trị cao, cây quế đang trở thành cây làm giàu ở nhiều địa phương của tỉnh. Như tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, người dân trước đây chủ yếu sống bằng trồng lúa, trồng ngô và cây dâu tằm. Những năm gần đây, trên 800 ha quế đã góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho địa phương này. Người dân đã thực hiện quy trình sản xuất quế sạch, quế hữu cơ nâng cao được giá trị cây quế cũng như sản phẩm quế.

Toàn bộ sản phẩm quế vỏ bóc từ những nương, đồi ở xã Đào Thịnh và các vùng phụ cận đều được HTX Quế Hồi Đào Thịnh thu mua hết với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Được biết, HTX Quế Hồi Đào Thịnh hiện có 20 thành viên liên doanh, liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn xây dựng vùng nguyên liệu trên 700 ha.

Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ

Bình quân mỗi tháng, HTX Quế Hồi Đào Thịnh thu mua trên dưới 100 tấn quế tươi, đảm bảo mua hết sản lượng quế vỏ hữu cơ cho người dân và giá luôn cao hơn giá thị trường. HTX đang sơ chế với 12 sản phẩm quế các loại như quế bột, quế tăm, quế điếu thuốc, tinh dầu quế…

Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng nhà máy sản xuất quế hữu cơ với công suất trên 100 tấn quế/tháng, sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… với sản lượng trên 2.000 tấn/năm.

Có thể thấy, sản xuất quế hữu cơ là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu quế Yên Bái vươn xa.

Các phân tích mới nhất cũng cho thấy, trong vòng 10 năm tới, thị trường gia vị organic thế giới sẽ tăng trưởng ít nhất 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15 tỷ USD.

Riêng thị trường quế, từ nay tới 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm sẽ là 14%. Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung khi quế là loại gia vị rất được yêu thích tại nhiều nước.

Tuy nhiên, trong 150.000 ha trồng quế cả nước, chỉ một số lượng nhỏ được công nhận hữu cơ. Vì vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada – một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của quế Việt Nam, cho rằng để nâng cao thị phần, cũng như giá trị sản phẩm quế, cần đầu tư hơn nữa về chất lượng, chế biến và mở rộng thị trường, thay vì chỉ tập trung vào xuất thô như hiện nay.

"Người Canada ngày càng ưa chuộng và sử dụng quế trong ẩm thực, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt từ sau COVID-19, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của quế trong tăng cường miễn dịch. Hiệp định CPTPP đã mang lại lợi thế về thuế quan giúp chúng ta vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ấn Độ để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu”, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, thông tin.

Vì vậy, Hiệp hội Quế hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế cassia so với quế ceylon của Nam Á.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa thêm vào thị trường sản phẩm mới như: mật ong hoa quế, nến thơm tinh dầu quế.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-trong-que-ban-khap-a-au-1092274.html