Nông dân Tường Thượng trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng

Những năm gần đây, người dân ở xã Tường Thượng, huyện Phù Yên đã chuyển việc chăn nuôi thả rông gia súc sang mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng, mang lại nhiều lợi ích, kiểm soát được dịch bệnh, tận dụng nguồn phân bón, chất lượng đàn gia súc được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân bản Khoa 2, xã Tường Thượng.

Ông Đinh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Thượng, cho biết: Xã đã tuyên truyền, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, nâng diện tích trồng cỏ lên 77 ha để tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn các hộ đầu tư con giống có chất lượng, làm chuồng trại kiên cố; hướng dẫn kỹ thuật ủ chua cỏ, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc.

Năm 2017, toàn xã chỉ có khoảng 20 hộ theo mô hình nhốt chuồng thì hiện nay, tăng lên gần 100 hộ nuôi nhốt với trên 2.500 con trâu, bò, phát triển ở chủ yếu ở các bản Khoa 1, Khoa 2 và bản Chăn. Bình quân mỗi hộ nuôi từ 10 đến 30 con, thu nhập từ 80 đến 200 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi nhốt chuồng nên việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh định kỳ cho trâu, bò được thực hiện đầy đủ. Trong thời gian qua, mặc dù dịch viêm da nổi cục ở trâu bò diễn biến phức tạp, nhưng đàn đại gia súc ở xã Tường Phong không bị ảnh hưởng. Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, có điều kiện nuôi con cái học hành, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt hiện đại, các loại phương tiện đi lại.

Anh Lê Văn Diễm, bản Khoa 2, xã Tường Thượng, chia sẻ: Gia đình luôn duy trì nuôi 12 con bò sinh sản và hơn 30 con trâu, bò thương phẩm. Nuôi bò nhốt chuồng không khó, chỉ cần làm chuồng trại kiên cố tránh được giá rét, dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại tốt, đàn bò sẽ lớn nhanh và khỏe mạnh. Nguồn phân chuồng được tận dụng để bón cho cỏ voi và cung cấp cho các hộ trồng cam, quýt trong huyện.

Còn gia đình ông Hà Văn Chương, bản Chăn, xã Tường Thượng trước đây nuôi bò theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài, tốn công sức mà hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2018, ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chuyển sang nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng; thu mua phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô của người dân trong bản và chuyển đổi trồng 5.000 m² lúa 1 vụ cho năng suất thấp sang trồng cỏ voi. Nhờ lượng thức ăn khá dồi dào, áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt đúng quy trình, tiêm phòng dịch bệnh nên đàn bò của gia đình ông phát triển tốt. Bằng cách nuôi gối đàn, lúc nào trong chuồng cũng có hơn 20 con bò, bình quân mỗi năm xuất bán ít nhất 10 con bò thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Mô hình trồng cỏ, nuôi bò nhốt chuồng ở Tường Thượng đang là hướng đi có hiệu quả, không chỉ giúp người dân tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn giúp thay đổi tập quán nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Tường Thượng tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả mô hình nuôi nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ; triển khai các chính sách hỗ trợ, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, làm thức ăn dự trữ cho gia súc, xây dựng chuồng trại nuôi bò nhốt sinh sản và vỗ béo để các hộ có điều kiện phát triển rộng mô hình này, góp phần nâng cao chất lượng đàn trâu, bò và tăng thu nhập.

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-dan-tuong-thuong-trong-co-nuoi-bo-nhot-chuong-50733