Nông dân Vĩnh Long tăng nhanh diện tích trồng mít siêu sớm

Thời gian gần đây, cây mít siêu sớm (mít Thái) có giá cao, khoảng 60.000 đồng/kg, nâng giá trị mỗi công trồng mít cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Do đó, người dân nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long mở rộng diện tích trồng cây này.

Khu vườn mít 28 công của anh Nguyễn Hữu Việt (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).

Khu vườn mít 28 công của anh Nguyễn Hữu Việt (xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).

Ở tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng mít tăng nhanh trong những tháng gần đây. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có hơn 523 ha mít, tăng hàng trăm ha so với cách đây một năm.

Từ hiệu quả bốn công mít Thái trồng xen ban đầu, đến nay, ông Phan Văn Ba (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã mở rộng diện tích lên một ha với hơn 600 cây mít nữa. Ông Ba cho biết: “Thời điểm cao giá, mỗi công mít Thái cho lợi nhuận hơn 200 triệu/năm. Trong khi chi phí phân bón, thuốc, mỗi công chưa đến 10 triệu”. Đây là lý do ông Ba mạnh dạn đầu tư hết đất nhà để trồng chuyên cây mít.

Theo thống kê, diện tích đất trồng mít ở Vĩnh Long đang tăng nhanh. Chỉ riêng ở huyện Bình Tân trong ba tháng đầu năm nay, nông dân đã trồng mới hơn 60ha; huyện Trà Ôn gần 40ha; thị xã Bình Minh hơn 30ha…Ngoài chuyển đổi trên diện tích vườn kém hiệu quả, nhiều hộ còn thuê đất ruộng để trồng mít. Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 5-4, trên toàn tỉnh có 523 ha diện tích trồng mít, nhiều nhất là huyện Bình Tân hơn 100ha, các huyện còn lại từ 30 đến 50 ha. Như vậy, sản lượng bình quân mỗi năm sẽ lên đến hàng chục nghìn tấn.

Anh Nguyễn Tấn Phúc, ngụ xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Gia đình có tám công mít Thái hơn bảy năm tuổi trồng theo mô hình sử dụng phân sinh học để tạo sản phẩm an toàn. Sản phẩm sau thu hoạch được Hợp tác xã nông nghiệp sinh học Thành Lợi bao tiêu theo giá thị trường. Nhờ vậy, hai năm trở lại đây sản xuất của gia đình luôn ổn định đầu ra và tránh được tình trạng thương lái ép giá vào thời điểm thu hoạch rộ”.
Với tình trạng diện tích mít phát triển nhanh sẽ khiến cho cung vượt cầu và chắc chắn giá mít sụt giảm. Tuy nhiên, sụt giảm đến mức nào còn tùy thuộc vào thị trường. Trong khi đó thị trường mít hiện nay chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi đây là một trong những loại trái được xuất khẩu chính ngạch đến quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Đồng chí Nguyễn Vương Khanh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Chủ yếu là người dân tự phát trồng mít Thái. Về phía ngành nông nghiệp cũng không khuyến khích người dân phát triển diện tích ồ ạt, đột biến. Rút kinh nghiệm trong những năm qua, đối với các loại cây trồng khác cũng đã xảy ra tình trạng khi phát triển lớn diện tích thì sẽ dư thừa nông sản, tác động trực tiếp đến thị trường, tác động giá, ảnh hưởng thu nhập của người dân. Hiện tại, trên địa bàn thị xã Bình Minh cũng có những nhà đầu tư tiềm năng xây dựng các nhà máy, xưởng chế biến các loại nông sản theo hướng sấy khô, đóng gói rồi xuất khẩu. Phòng Kinh tế cũng giữ mối quan hệ đối với các nhà đầu tư này, cố gắng tìm hướng thuận lợi để làm sao có nguồn giúp người nông dân tiêu thụ mới trong thời gian tới.

Hợp tác xã nông nghiệp sinh học Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) thành lập từ năm 2017, hiện có khoảng 30 xã viên với diện tích canh tác gần 100ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh. Cách làm liên kết sản xuất này vừa tạo sản phẩm sạch, vừa có đủ nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng để giữ thị trường lớn. Điều này cho thấy, mít Thái có thể trở thành “cây tiềm năng” nếu được tổ chức khai thác tốt từ chất lượng sản phẩm.

Trên thực tế, mít không phải là một loại cây trồng mới và không có đầu ra. Việc tiêu thụ nội địa, nhất là cung cấp nguyên liệu cho chế biến trong nước cũng khá tốt. Và cho đến nay, trong số tám loại trái cây Việt được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mít đứng đầu bảng vì được cấp phép sớm nhất, từ năm 2009. Chính vì vậy, cho dù sau thời kỳ tăng cao, giá mít Thái chắc chắn sẽ giảm xuống nhưng nhờ vào khả năng chế biến nên tiềm năng của trái mít vẫn còn. Phân tích vấn đề này để cho thấy, dù giá mít có giảm, nhưng so với mức độ đầu tư chỉ khoảng 50 triệu đồng/ ha cho năm đầu, thu nhập của nông dân cũng có lợi nhuận thu về khá tốt.

Đồng chí Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, khẳng định, mít hiện nay là một nông sản nóng trên thị trường. Không chỉ tỉnh Vĩnh Long mà nông dân nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đang có xu hướng mở rộng diện tích và chưa dừng lại ở đây. Đối với tỉnh Vĩnh Long, với diện tích hoảng 500 ha diện tích mít trồng mới, có phát triển nhiều so với một năm trước đây. Tuy nhiên, diện tích này chỉ chiếm khoảng 1% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh (55 nghìn ha) nên chưa thể gọi là tăng diện tích trồng mít đột biến.

Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cũng đang khuyến khích người dân chuyển dịch giống cây trồng theo hướng nâng cao giá trị cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trong việc đầu tư trồng ồ ạt, cung vượt cầu rất dễ xảy ra tình trạng ế hàng dội chợ, giá sẽ giảm. Người dân cần tập trung trồng những cây ăn trái chủ lực, canh tác theo hướng chuỗi giá trị, an toàn sinh học, mở rộng thêm những thị trường khó tính trên thế giới.

Bài, ảnh: BÁ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39755402-nong-dan-vinh-long-tang-nhanh-dien-tich-trong-mit-sieu-som.html