Nông dân Vĩnh Sơn làm giàu từ mô hình chăn nuôi rắn độc

Làng rắn Vĩnh Sơn nằm ở gần trung tâm thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây nổi tiếng khắp gần xa bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ con rắn.

Làm bạn với tử thần

Ngày trước, Vĩnh Sơn là vùng đất rậm rạp, phát triển nông nghiệp là chính nên nhiều loài rắn trú ngụ. Các thanh niên trong làng thường tìm bắt rắn để bán cho những người thu mua ngâm rượu và làm thuốc. Không sai khi nói mỗi người ở làng Vĩnh Sơn đều là những “du kích” bắt rắn.

Vĩnh Sơn là một trong số những làng được cấp phép nuôi các loài rắn nguy hiểm như: hổ mang, hổ trâu, hổ chúa,... Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thấy nuôi rắn có kinh tế, năm 1978, Vĩnh Sơn xây dựng một trung tâm nuôi rắn để bảo tồn rắn giống tại địa phương và cung cấp cho các nơi có nhu cầu.

Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, trại rắn đã cho ra đời những sản phẩm nổi tiếng: Rắn sinh sản và rắn thương phẩm; cao rắn; rượu rắn cổ truyền.

Từ sau năm 1986, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường thì trại nuôi rắn Vĩnh Sơn cũng dần teo tóp và nghề nuôi rắn hộ gia đình lại có cơ hội khôi phục và phát triển, mới đầu chỉ có vài hộ nuôi rắn trong vườn nhà nhưng đến nay đã lan truyền hầu như toàn xã.

Các hộ chủ yếu nuôi rắn độc như rắn hổ mang, hổ trâu… Thậm chí là hổ chúa. Đây là các loại rắn có nọc độc đặc biệt nguy hiểm, nếu người bị cắn không được cấp cứu kịp thời có thể chết sau giây lát. Rất nhiều hộ dân trong làng đã phải chặt ngón tay của mình khi vô tình bị rắn cắn.

Nếu nhiệt độ quá lạnh rắn sẽ yếu dần và chết. Ảnh: Hoàng Diệp

Chuồng trại chăn nuôi không tốn quá nhiều diện tích. Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch (cao chừng 30 - 40cm) và không cần phải tô trát hay sơn vôi gì cả. Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận.

Rắn được nuôi trong các chuồng xây ô khép kín. Ảnh: Hoàng Diệp

Mỗi con rắn thường 3 ngày mới ăn một lần và thường nuôi 2 năm thì sẽ thu hoạch. Ảnh: Hoàng Diệp

Diện tích chuồng trại không đáng kể, ăn ít, dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao là những lý do khiến người dân làng Vĩnh Sơn bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập mà "đánh cược" tính mạng của mình vào loài bò sát này.

Kiếm bạc tỷ mỗi năm

Hiện nay, ngoài làm nông nghiệp, người dân Vĩnh Sơn chăn nuôi, kinh doanh rắn là chủ yếu. Có hộ gia đình phát triển thành Trang trại rắn. Chị N.T.T một chủ hộ chăn nuôi ở đây chia sẻ: Thức ăn chủ yếu của rắn là cóc, gà con. Mỗi năm rắn chỉ ăn trong 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch) còn lại là ngủ đông. Cho rắn ăn cũng cần phải đúng cách, rắn thường hoạt động và ăn vào ban ngày, không ăn ban đêm. Khi cho ăn cần phải cho vừa đủ, lượng thức ăn không nhiều quá so với trọng lượng con rắn, tuyệt đối không cho rắn ăn thức ăn đã có mùi.

Chuồng rắn được xây dựng trong không gian khép kín, yêu cầu về độ ẩm và ánh sáng phải phù hợp theo tập tính từng loài. Ảnh: Hoàng Diệp

Được biết thức ăn cho rắn không cần phải đun nấu nên rất dễ dàng cho người chăn nuôi. Những năm gần đây người dân Vĩnh Sơn đã mạnh dạn thay đổi tập tính của chúng bằng cách đầu tư hệ thống bóng hồng ngoại nhằm tạo môi trường ấm áp để rắn có thể phát triển quanh năm.

Rắn là loài động vật dễ nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, thịt rắn là món đặc sản, da rắn, mật dùng để làm thuốc chữa bệnh. Toàn bộ cơ thể của rắn đều mang lại lợi nhuận về kinh tế.

Có những thời điểm, giá rắn thịt (rắn thương phẩm) lên tới 700.000 đồng/kg, trứng rắn dao động trong khoảng 150.000 – 170.000 đồng/quả, rắn giống được bán với giá 250.000-300.000 đồng/kg. Xác rắn là một loại dược phẩm Đông y và cũng được nhiều người thu mua với giá khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg tại thời điểm cao nhất.

Xác rắn được phơi khô và cho vào từng bao tải chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Hoàng Diệp

Lợi nhuận "khủng" kéo theo sự gia tăng theo cấp số nhân của các hộ nuôi rắn, bởi rắn giống có ngay tại làng, hệ thống chuồng trại xây dựng đơn giản, mồi rắn được chính các hộ trong thôn cung cấp. Những sản phẩm từ rắn không quá phổ biến tại Việt Nam vì vậy Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của những chủ hộ tại đây.

“Hiện nay Vĩnh Sơn có khoảng 1.300 hộ với khoảng 5.700 nhân khẩu, thì có gần 1000 hộ dân nuôi rắn. Có thể nói, con rắn đã đem lại diện mạo mới cho xã Vĩnh Sơn, bởi nó dường như đã thay thế cho những con vật nuôi thuần nông khác ở làng nghề này, đem lại lợi nhuận cao hơn con trâu, con bò, con gà. Xây dựng ít tốn kém hơn, sử dụng lao động ít hơn, ô nhiễm môi trường ít hơn,…

Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với nhà cửa, các công trình trường học, trạm y tế, công sở, đường giao thông... được xây dựng khang trang.

Làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn mang lại thu nhập cao nhưng cũng vì nghề này mà nhiều người phải trả giá bằng sinh mạng hay thương tật ở ngón tay khi bị rắn độc cắn. Đúng là "Sinh nghề, tử nghiệp" như cha ông ta đã nói, nhưng không vì thế mà bị mai một. Chính sự hiểu biết và những kinh nghiệm tích lũy cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương làng nghề truyền thống nuôi rắn Vĩnh Sơn đang ngày càng phát triển hơn.

Hoàng Diệp

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nong-dan-vinh-son-lam-giau-tu-mo-hinh-chan-nuoi-ran-doc-post243809.html