Nông dân xứ Quảng kiếm bộn với cây dược liệu, rau hữu cơ

Điểm tựa từ sản xuất xanh đang giúp nhiều nông dân ở Quảng Nam phát triển thành công các mô hình nông nghiệp an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở hướng đi mới với nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm.

Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với hơn 90% là người dân tộc thiểu số, đời sống trước đây gặp vô vàn khó khăn. Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ.

Làm giàu từ dược liệu

Cụ thể, huyện Tây Giang đã phát triển mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đẳng sâm và ba kích. Đây là 2 loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mở cơ hội giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định thu nhập, vươn lên làm giàu.

Để cụ thể hóa những kế hoạch đề ra, huyện triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa.

Cây dược liệu đang góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân ở Quảng Nam.

Đáng chú ý, trong quá trình phát triển mô hình trồng đảng sâm, HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm đã tích cực hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hàng trăm hộ gia đình ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán, từ đó ổn định thu nhập bình quân 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Anh Alăng Lơi, thôn Achoong, xã Ch'Ơm cho biết, trước đây, gia đình anh từng trồng hơn 1ha đẳng sâm nhưng đến mùa thu hoạch vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Từ khi huyện Tây Giang triển khai "Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm", không chỉ có nhà anh Lơi mà nhiều hộ trồng sâm ở xã Ch'Ơm đã được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Từ việc phát triển trồng các loại dược liệu, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.

Không chỉ sản xuất thô, những năm gần đây, từ một số sản phẩm tươi, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ bấp bênh, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đẳng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.

Chú trọng sản xuất sạch

Bên cạnh sản xuất dược liệu, mô hình trồng rau củ quả VietGAP, hữu cơ cũng đang cho thấy hiệu quả cao tại nhiều địa phương ở Quảng Nam. Đơn cử như tại Hội An, vùng sản xuất rau an toàn đang thu hút hàng trăm hộ tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường hơn 1.000 tấn rau các loại.

Điển hình như tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà hiện đang có hơn 200 hộ tham gia sản xuất, tổng diện tích trên dưới 20 ha. Mỗi năm, nông dân canh tác 4 vụ và tổng sản lượng thu hoạch đạt 700 – 800 tấn rau các loại. Với thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm người dân Trà Quế thu về gần 19 tỷ đồng.

Tương tự, nông dân tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh cũng đang gặt hái nhiều thành công với mô hình trồng rau sạch. Toàn thôn có 11 hộ dân tham gia mô hình trồng rau hữu cơ chuyên canh với diện tích gần 1,3ha. Hàng năm, số hộ dân trên bán ra thị trường 8 – 10 tấn rau các loại, thu về khoảng 230 triệu đồng.

Mô hình trồng rau VietGAP đang được nhân rộng tại nhiều địa phương tỉnh Quảng Nam.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân, những năm qua, ngành nông nghiệp Hội An đã đẩy mạnh hỗ trợ người dân đẩy mạnh quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ rau hữu cơ, rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “làng rau Trà Quế”.

Sự chủ động của nông dân cùng sự đồng hành của ngành nông nghiệp địa phương đang giúp sản phẩm rau Trà Quế không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Hội An mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khác, nhất là tại các chợ và một số siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart…

Không chỉ tại Hội An, mô hình trồng rau an toàn đang lan tỏa mạnh tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau củ quả an toàn trên địa bàn tỉnh là hơn 85ha, trong đó 41ha có chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và hơn 44ha có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thúc đẩy nông nghiệp sinh thái

Với những điểm tựa từ nông nghiệp sạch, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang tích cực hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, với mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 20 ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nhiệm vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững, hiện đại. Phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Thực tế cũng cho thấy trong những năm gần đây nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh thái đã được hình thành và cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Điển hình, vào năm 2020, HTX Chăn nuôi công nghệ cao Gò Nổi thuê 19.000m2 đất tại thôn Bến Đền (xã Điện Quang, Điện Bàn) để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò 3B quy mô lớn theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh.

“Trừ chi phí đầu tư, hằng năm HTX lãi ròng khoảng 1,5 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi bò”, ông Ngô Trọng Hoàng, Giám đốc HTX, chia sẻ.

Hình thức liên kết chăn nuôi bò lai thương phẩm theo chuỗi giá trị giữa các HTX và nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang phát triển khá mạnh. Mô hình này do các HTX làm chủ liên kết, chịu trách nhiệm cung ứng con giống, vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Những HTX nổi bật có thể kể đến như HTX Chăn nuôi công nghệ cao Tiên Phong, Câu lạc bộ chăn nuôi Tiên Sơn (Tiên Phước); HTX Phát triển nông nghiệp Thịnh Vượng, HTX Sản xuất & dịch vụ nông - lâm nghiệp Nhân Nghĩa thuộc huyện Bắc Trà My…

Có thể thấy, ngành nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có những chuyển biến tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân. Với những thành công đang có, tỉnh dự kiến tiếp tục nhân rộng những mô hình cánh đồng lớn, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-xu-quang-kiem-bon-voi-cay-duoc-lieu-rau-huu-co-1099627.html