Nóng giải pháp bảo vệ trẻ sau hàng loạt vụ đuối nước thương tâm

Sau hàng loạt vụ trẻ em đuối nước tử vong thương tâm mới xảy ra, mạng xã hội và báo chí nóng tranh cãi chủ đề làm thế nào dạy trẻ bơi và bảo vệ con cái trước hiểm họa sông hồ.

Báo Thanh Niên vừa có bài phản ánh tình trạng mới vào hè nhưng đã xảy ra quá nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Cụ thể là vụ 8 học sinh chết đuối ở Khánh Hòa, 8 học sinh đuối nước tử vong ở Quảng Bình, 5 em đuối nước ở Nghệ An... gây bàng hoàng, đau xót.

Hôm qua, những dòng người lặng lẽ của xóm làng ở H.Yên Thành (Nghệ An) lần lượt đưa tang 5 học sinh - HS (lớp 8A Trường THCS Trung Thành) bị đuối nước. “Chưa bao giờ xóm làng phủ đầy tang tóc như thế này”, một người dân nói.

Chị Đinh Thị Châu đã cạn khô nước mắt vì khóc con. Sáng 30/5, khi chị sắp vào miền Nam thì Ngân xin mẹ cho đi chơi. Thấy Ngân năn nỉ nên chị bằng lòng rồi còn dặn con phải cẩn thận. Chiều cùng ngày, chị nhận tin dữ: Ngân và 4 bạn khác tử vong vì đuối nước.

Trẻ nhỏ tắm sông hồ dễ gây nguy cơ chết đuối nếu thiếu sự giám sát của người lớn.

Trẻ nhỏ tắm sông hồ dễ gây nguy cơ chết đuối nếu thiếu sự giám sát của người lớn.

Cách đám tang bé Ngân không xa là đám tang bạn cùng lớp tên Cao Thị Nương. Mẹ của Nương lao động ở Đài Loan đã không thể nhìn con lần cuối. Và ở xóm bên lại là đám tang các bạn của Ngân, Nương. Buổi dã ngoại định mệnh cướp đi 5 đứa trẻ...

Trước đó, từ ngày 20 - 27/5, có tới 4 vụ đuối nước xảy ra ở Khánh Hòa khiến 8 em nhỏ thiệt mạng. Trong đó, vụ tai nạn vào ngày 20/5 đã khiến 4 học sinh Trường THCS Tô Hiến Thành (xã Ninh Sim, TX.Ninh Hòa) tử vong. Cả 4 nạn nhân cùng rủ nhau đi tắm rồi không may bị trượt xuống hố sâu, sau đó bị nước nhấn chìm.

Còn tại Quảng Bình, chỉ trong mấy ngày, các vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 8 học sinh. Ngày 23/5, 3 học sinh trường THCS Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa) rủ nhau ra bờ sông Gianh chơi và mãi mãi không về vì trượt chân xuống sông. Nỗi đau chưa vơi thì tin dữ dội về từ huyện Minh Hóa khi trưa 23/5, 2 em HS lớp 1 và lớp 3 tử nạn vì đuối nước. Tới ngày 28/5, tại huyện Minh Hóa lại thêm 3 em chết đuối.

Báo điện tử VOV cũng có bài viết về vấn đề này và nhận định ,chỉ trong hơn một tuần, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm khiến gần 30 học sinh bị chết đuối.

Đặc biệt, vụ việc 8 học sinh ở Hòa Bình rủ nhau đi tắm sông và cả 8 em tử vong do đuối nước hồi cuối tháng 3 vừa qua khiến ai nghe cũng thấy đau lòng.

Báo Lao Động dẫn thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giai đoạn 2015-2017 cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có gần 6.000 người trong đó có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Con số này cao gấp 10 lần so các nước đang phát triển, cao hơn 5 lần các nước ASEAN.

Nỗi lo đuối nước đã trở nên ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh khi mùa hè đến. Trong khi, một số liệu khác của Bộ LĐTBXH cho thấy, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Trong khi đó, tỉ lệ đuối nước chiếm 50% các vụ tai nạn tử vong, thương tích ở trẻ em.

Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều.

“Phụ huynh thường chủ quan, không hiểu được tầm quan trọng của vấn đề đuối nước dẫn đến hậu quả như thế nào. Chính vì họ không hiểu điều đó nên không rèn cho con biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Ý thức này cũng do việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng về đuối nước cho trẻ em chúng ta đã làm nhưng tôi nghĩ rằng chưa thường xuyên”, TS Kim Quý nói.

Một lý do nữa là, mặc dù từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 100/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em. Hiện cả nước chỉ có khoảng 30% trẻ em biết bơi.

Được biết, sau các vụ đuối nước, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương vận động gia đình thường xuyên giám sát trẻ em; cho trẻ học bơi, kỹ năng giữ an toàn trong môi trường nước... Khánh Hòa cũng đang thực hiện “Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học, THCS trong nhà trường” giai đoạn 2017 - 2020.

Anh Lương Văn Bá (giáo viên dạy bơi ở Nghệ An) khuyến cáo, mùa hè, trẻ thường tự ý rủ nhau đi tắm ở sông, suối nên rất nguy hiểm. “Trong trường hợp tắm sông, suối, nên mặc quần áo bơi, không để nguyên quần áo đang mặc khi đi chơi để tắm vì sẽ rất khó xử lý nếu gặp tình huống nguy hiểm”, anh Bá nói. Anh Bá khuyên cha mẹ nên cho con học kỹ thuật bơi lội, cách xử lý sự cố và kỹ năng cứu người đuối nước.

Trong Lễ phát động toàn dân học bơi diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng đưa phong trào bơi, phòng chống đuối nước có bước phát triển tốt hơn. Tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới.

H.Y (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-giai-phap-bao-ve-tre-sau-hang-loat-vu-duoi-nuoc-thuong-tam-a436272.html