Nóng Libya: Biểu tình chống GNA-LNA, đến lúc Saif Gaddafi trở lại?

Rõ ràng hình mẫu chế độ Gaddafi không chỉ còn là ước vọng của người dân Libya và nước cờ của Putin cũng không còn là định hướng, mà đã định hình...

Tiếp tục biểu tình phản đối "xóa độc tài-gieo dân chủ"ở Libya

Reuters đưa tin, ngày 23/8, nhiều người dân Libya đã tuần hành đến trụ sở của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) ở thủ đô Tripoli để bày tỏ sự tức giận về sự sụp đổ của các dịch vụ công, tham nhũng và áp lực kinh tế.

“Cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước Libya đang sụp đổ. Người dân thiếu điện, nước uống, vệ sinh hoặc chăm sóc y tế giữa một đại dịch đang gia tăng ”, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Peter Maurer cho biết.

Đoàn người biểu tình sau đó tiếp tục kéo đến Quảng trường Liệt sĩ ở trung tâm Thủ đô và đã bị giải tán bằng súng đạn. Khu vực này sau đó đã bị đóng cửa và được lực lượng an ninh canh gác nghiêm ngặt.

Bộ Nội vụ Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya đổ lỗi cho "những kẻ xâm lược" đã gây ra bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, song theo Reuters, chính lực lượng an ninh của GNA làm việc này.

Biểu tình ủng hộ Saif al-Islam Gaddafi trở lại

Biểu tình ủng hộ Saif al-Islam Gaddafi trở lại

Cuộc tuần hành tại thủ đô Tripoli diễn ra chỉ 2 ngày sau các cuộc biểu tình tại 3 thành phố Sirte, Bani Walid và Ghat nằm ở phía bắc Libya - một chuyển động hính trị đang được công luận và dư luận quan tâm trong những ngày qua.

Đáng chú ý là những người biểu tình tại "lằn ranh đỏ" Sirte, Bani Walid và Ghat mang theo cờ màu xanh và ủng hộ Saif al-Islam Gaddafi, con trai cố Tổng thống Muammar al-Gaddafi, trở lại chính trường.

Trong khi đó những người tuần hành ở thủ đô Tripoli lại mang theo cờ trắng, thể hiện không ủng hộ lực lượng nào đang kiểm soát Libya, dù là Chính phủ Đoàn kết quốc gia Libya hay chính quyền miền đông có sự ủng hộ của Quân đội Quốc gia Libya.

Đặc biệt, người biểu tình tại Sirte, Bani Walid và Ghat mang theo ảnh của cố Tổng thống Gaddafi và các con trai của ông, còn người biểu tình ở Tripoli mang theo ảnh của các lãnh đạo đang kiểm soát Libya nhưng bị gạch chéo trên mặt.

Nếu dòng người biểu tình ở Sirte, Bani Walid và Ghat, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ chế độ Gaddafi và khẳng định sẵn sàng bầu Saif al-Islam làm lãnh đạo đất nước, thì dòng người xuống đường tại Tripoli với khẩu hiệu phản đối "cái chết từ từ".

Thành phố Sirte, Bani Walid và Ghat hiện nay đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền miền đông được ủng hộ của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya, trong khi thủ đô Tripoli được kiểm soát bởi Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya.

Chưa biết có sự liên kết nào giữa lực lượng tổ chức biểu tình tại Sirte, Bani Walid và Ghat với lực lượng tổ chức tuần hành tại Tripoli hay không, nhưng thông điệp thì đều chung một điểm : phản đối công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" ở Libya.

Đến lúc hình mẫu chế độ Gaddafi không chỉ còn là ước vọng của người Libya

Vì bất bình với cách quản lý của Tổng thống Gaddafi và cũng không chấp nhận Libya đổi thay theo kế hoạch của Saif Al-Islam - người được cho là kế thừa quyền lực của “nhà độc tài”- một số bộ tộc ở Libya đã nổi dậy chống chính quyền trung ương.

Cuộc nổi dậy nhanh chóng biến thành cuộc xung đột vũ trang và đến ngày 15/2/2011 thì biến thành cuộc nội chiến tại Libya. Các bộ lạc hy vọng khi lật đổ được “chế độ độc tài" thì quyền lợi của họ sẽ bình đẳng trong một đất nước tự do.

Vốn coi Gaddafi như “lãnh chúa châu Phi” nên khi Libya nổ ra nội chiến là cơ hội để Mỹ-phương Tây “xóa độc tài-gieo dân chủ” cho Libya. Vì vậy, khi Gaddafi đàn áp nổi dậy, Mỹ-NATO đã nhanh chóng hành động, ngăn chặn tội ác chiến tranh.

Thế là trước sức mạnh của cả hai lực lượng “nội công, ngoại kích”, chế độ Gaddafi nhanh chóng sụp đổ và chính thức khép lại một triều đại bằng cái chết của Gaddafi vào một buổi chiều buồn, cuối tháng 10/2011 tại thị trấn Sirte.

Con tàu Libya luôn tròng trành kể từ khi Mỹ-phương Tây thực hiện công cuộc Xóa độc tài-Gieo dân chủ

“Khi Gaddafi bị lật đổ đã có cảnh hân hoan tại Libya. Song sự mừng vui chỉ diễn ra chưa đầy một tháng, khi dư âm chiến thắng qua đi, cuộc sống thiếu thốn ập đến mà không biết dựa vào đâu, người Libya mới giật mình khi nghĩ về quá khứ”, theo BBC.

Đến nay đã 9 năm, kể từ khi Tổng thống Gaddafi bị giết chết trong một cuộc nổi dậy đẫm máu và kinh hoàng, các lực lượng tham gia vào “xóa độc tài” vẫn chưa thể định hình được một chế độ chính trị - xã hội tại Libya.

Còn lực lượng “gieo dân chủ” cho Libya - theo nhận định của Tạp chí Mỹ Foreign Policy Journal - đã biến đất nước Libya thời hậu Gaddafi trở thành thiên đường cho những chiến binh Hồi giáo và là thị trường nô lệ của thế kỷ 21.

Với cuộc sống thiếu thốn và xã hội bất ổn, đối mặt với cái nghèo luôn đeo đuổi và cái chết luôn rình rập, người dân Libya thất vọng. Trong vòng xoáy vô định gây nên bởi công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ", người dân Libya chỉ có 3 lựa chọn.

Một số người có tư tưởng cực đoan đã quyết định chọn bạo lực làm lẽ sống và súng đạn làm phương tiện kiếm sống – họ trở thành những kẻ khủng bố đang hoành hành trên quê hương mình và cả ở những nơi khác trên thế giới.

Một số người khác không chịu đựng nổi hậu quả bởi sự "khai hóa" của Mỹ-phương Tây đã chọn rời bỏ quê hương đì tìm miền đất hứa ở nơi phương trời xa với một hy vọng mong manh cho sự đổi đời trong một hành trình gian nan và đầy nguy hiểm.

Đối với những người dân Libya không thể tự đổi thay đành phải chờ đợi sự đổi thay. Cà trong lúc chờ đợi sự thay đổi cho số phận, họ hoài niệm về cái xã hội được “cai trị bởi chế độ độc tài Gaddafi” đề nguôi ngoai nỗi buồn.

Cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn, trong khi vòng xoáy từ hậu quả của công cuộc "xóa độc tài-gieo dân chủ" làm cho đất nước Libya thời hậu Gaddfi ngày càng hỗn loạn hơn, khiến cho cả 3 lựa chọn đều không giúp cho người dân Libya thoát khỏi bế tắc.

Có lẽ đã đến lúc mệt mỏi với giết chóc và cướp bóc trong thân phận những kẻ khủng bố, mệt mỏi với hành trình đi tìm miền đất hứa với thân phận những người tha hương và mệt mỏi với việc phải mãi sống bằng hoài niệm, nên người dân Libya đã thay đổi.

"Ở Libya trước đây, mọi người đều hạnh phúc. Ở Mỹ, có những người ngủ dưới gầm cầu, ở Libya không bao giờ có điều ấy. Không có phân biệt đối xử. Công việc rất tốt và luôn có tiền. Tất cả là nhờ vào Gaddafi - Đấng Cứu thế của châu Phi".

"Gaddafi có thể là nhà độc tài, nhưng trong nhiều năm ông ấy đã mang lại sự sung túc cho cuộc sống, luật lệ trong chế độ của ông ta đã tạo sự ổn định cho xã hội và người di cư không phải tuyệt trong vọng để tìm công việc ở Libya trong sự may rủi".

Saif al-Islam Gaddafi là niềm hy vọng của người dân Libya trong bế tắc

Có lẽ cái quá khứ tốt đẹp ấy trong thời gian Libya được cai quản bởi "chế độ độc tài Gaddfi" là cái đích thiết thực nhất, cụ thể nhất mà người dân Libya hướng tới trong hành trình tạo sự đổi thay để đưa đất nước Libya thoát khỏi vòng xoáy vô định.

Để "làm sao cho bằng ngày xưa" thì có lẽ không gì tốt hơn là tìm đến "người xưa" và dường như người dân Libya bắt đầu hành động theo phương châm ấy, khi các cuộc biểu tình tại Sirte, Bani Walid và Ghat hay Tripoli mang thông điệp ấy.

Điều này cho thấy dường như nhận định của Nga khi cho rằng Saif al-Islam Gaddafi là nhân tố không thể thiếu trong tiến trình hòa bình cho Libya và việc Moscow quyết định kết nối với "Thái tử nhà Gaddfi" ngày càng chuẩn xác.

Bởi "vấn đề nổi cộm là các phe phái Libya không quyết định được đối tác của họ là ai. Họ liên tục thay đổi lập trường. Đó là sai lầm chết người của các phe phái Libya và Mỹ-phương Tây", như nhận định của ông Lev Dengov, đặc sứ Nga về Libya.

Tình hình Libya còn rất phức tạp, những chuyển động để cho Saif al-Islam Gaddafi tái xuất mới chỉ phôi thai, nhưng rõ ràng hình mẫu chế độ Gaddafi không chỉ còn là ước vọng của người dân Libya và nước cờ của Putin cũng không còn là định hướng, mà đã định hình.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nong-libya-bieu-tinh-chong-gna-lna-den-luc-saif-gaddafi-tro-lai-3417846/