Nóng Nagorny-Karabakh: Ankara nói về nhóm Minsk, căng thẳng leo thang

Ankara cho rằng, nhóm Minsk không thể tự quyết định xung đột Nagorny-Karabakh mà không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga, Pháp, Mỹ là đồng Chủ tịch của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác của Châu Âu (OSCE), trung gian hòa giải căng thẳng Nagorno-Karabakh sẽ gặp nhau vào thứ 2 tuần tới tại Thủ đô Moscow của Nga để tìm cách thuyết phục các bên tham chiến ngừng bắn.

Nhà thờ cổ từ thế kỷ 19 ở thành phố Shusha của Nagorno-Karabakh bị ảnh hưởng trong vụ xung đột mới nhất.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đáp trả các tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng nhóm Minsk đã không làm được gì cho việc hạ nhiệt căng thẳng Nagorno-Karabakh và không nên tham gia vào quá trình hòa giải cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Le Drian nhấn mạnh rằng, chính Thổ Nhĩ Kỳ mới là bên có liên quan quân sự ở khu vực này và nếu đưa các quốc gia khác vào mối quan hệ căng thẳng lãnh thổ của Armenia-Azerbaijan thì điều này thúc đẩy "quốc tế hóa" xung đột.

Hãng thông tấn Interfax đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đang đàm phán với Azerbaijan và Armenia để tổ chức một cuộc gặp có thể diễn ra tại Nga với các quan chức ngoại giao của 2 chính phủ.

Cùng ngày 8/10, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ali Asadov.

Trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 8/10, Thủ tướng Mishustin đã nhấn mạnh với ông Asadov tầm quan trọng của việc khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình và thiết lập một lệnh ngừng bắn.

Trước các nỗ lực của Nga, Pháp, Mỹ, Chính quyền tại Nagorny-Karabakh tuyên bố, vùng lãnh thổ này bác tin về kế hoạch ngừng bắn bắt đầu từ ngày 8/10. Trên thực tế, mặt trận ở Nagorno-Karabakh vẫn tiếp tục ghi nhận căng thẳng.

Nhà thờ Ghazanchetsots bị hư hại do các cuộc pháo kích. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Armenia ngày 8/10 đã lên án các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào một nhà thờ ở thành phố Shusha của Nagorno-Karabakh trong bối cảnh nước này và Azerbaijan tiếp tục xung đột vũ trang.

Tuyên bố diễn ra khi Armenia ghi nhận một số cuộc tấn công bằng UAV đã làm hư hại nhà thờ Ghazanchetsots, nhà thờ chính của thành phố trên, vốn có lịch sử từ thế kỷ 19.

Bộ Ngoại giao Armenia viết trên tweet: "Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã không kích vào kiệt tác kiến trúc của Armenia - Nhà thờ Chúa Cứu thế Ghazanchetsots nằm ở thủ đô văn hóa Shushi của Artsakh. Hành động này hoàn toàn phù hợp với chính sách chống Armenia được phát triển trong nhiều thập kỷ".

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố lực lượng của họ không nhằm vào các tòa nhà lịch sử, văn hóa hoặc tôn giáo. Theo nhân vật bảo vệ nhân quyền của Cộng hòa Nagorny-Karabakh tự xưng, Artak Begessionan, ba nhà báo đã bị thương do một trong các vụ tấn công này.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn trở thành một bên đàm phán cho căng thẳng Nagorno-Karabakh

Hôm 8/10, Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các nỗ lực cho một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh miễn là họ giải quyết được các yêu cầu chính đáng của Azerbaijan.

“Chúng tôi kêu gọi nhóm Minsk đưa ra một thời gian biểu và một đề xuất mới có thể hành động được, có hướng dẫn cụ thể để chấm dứt vòng thù địch hiện tại nhưng quan trọng nhất cũng là một cách để chấm dứt việc chiếm đóng các vùng đất Azeri của Armenia vốn đã là nguyên nhân sâu xa của vấn đề này" - ông Ibrahim Kalin nói với Al Jazeera.

Theo ông Ibrahim Kalin, nhóm Minsk do Nga, Mỹ, Pháp đứng đầu đã "không làm được gì nhiều" cho tình hình ở Nagorno-Karabakh và cần phải được thay đổi lộ trình các cuộc đàm phán để đi tới sự giảm căng thẳng nhất định.

“Nhóm Minsk, được thành lập gần 30 năm trước, đã làm được rất ít để chấm dứt cuộc xung đột đóng băng này ở nam Caucasus. Đã đến lúc đưa ra một lộ trình mới. Đó là những gì người Azeris đã yêu cầu và những gì chúng tôi đang hỗ trợ, có để ngừng bắn nhưng ngừng bắn phải bền vững" - người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

"Cách duy nhất để làm cho tình hình ổn định là nói về việc Armenia chiếm đóng vùng đất Azeri." - ông Kalin nhấn mạnh.

Vị trí căng thẳng Nagorny-Karabakh

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng “hiện trạng phải được thay đổi” liên quan đến cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia và nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan.

Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai hậu thuẫn Azerbaijan trong cuộc xung đột và cho biết họ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự nếu Azerbaijan yêu cầu.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nong-nagorny-karabakh-ankara-noi-ve-nhom-minsk-cang-thang-leo-thang-3420315/