'Nóng' nghị trường Quốc hội với đề xuất mở khung thỏa thuận làm thêm giờ, tăng tuổi nghỉ hưu

Phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều 12/6 diễn ra vô cùng sôi nổi, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng được nêu trong dự thảo luật.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ được nêu trong dự thảo luật vẫn còn có ý kiến khác nhau. ĐB Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với đề xuất của Chính phủ vì việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với khả năng lao động. Trong 2 phương án mà dự thảo đưa ra, ĐB đồng tình với phương án 1 vì theo lộ trình này, tốc độ tăng tuổi nghỉ hưu chậm, không làm hạn chế chỗ làm của NLĐ bước vào tuổi lao động.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại có quan điểm ngược lại. Theo ĐB Hòa, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc khi đã đủ thời gian bảo hiểm xã hội, nhất là lao động phổ thông, cán bộ công chức viên chức…

Rút đề xuất bổ sung ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ

Tại phiên họp, đa số ĐB không đồng tình với đề xuất bổ sung Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27/7 dương lịch) là ngày nghỉ lễ được nêu trong dự thảo luật. ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận xét rằng việc đề nghị lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ, ngày tri ân “nghe qua thấy rất hay nhưng nghĩ lại thì không ổn”.

“Ngày 27/7 đã in sâu ký ức, trí nhớ của người dân Việt. Nếu đổi tên ngày tri ân chung chung, không tập trung vào đối tượng cụ thể thì sẽ ảnh hưởng đến việc tri ân thiết thực đối với các thương binh, liệt sĩ”, ĐB Trí nói.

Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ xin rút đề xuất trên khỏi dự thảo luật.

ĐB nhấn mạnh, việc tăng tuổi hưu cần cân nhắc để không đánh mất cơ hội cho người trẻ, nhất là trong bối cảnh nhiều lao động của chúng ta hiện đang chưa có việc làm, phải đi xuất khẩu lao động. “Nên quy định tuổi nghỉ hưu với nữ là 58, nam là 62 tuổi. Đây là nguyện vọng của không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động”, ĐB kiến nghị.

ĐB Hòa kiến nghị thêm rằng, với những đối tượng sắp đến tuổi hưu theo luật hiện hành mà năng suất lao động không cao, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” nhưng vẫn ở mức “hoàn thành nhiệm vụ” và không muốn nghỉ hưu mà chờ đúng tuổi mới chịu nghỉ theo dự thảo luật thì cần quy định tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được quyền cho nghỉ hưu để ưu tiên vị trí việc làm đó cho những người trẻ tuổi nhiệt huyết, có năng lực đảm đương nhiệm vụ.

Về trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian nghỉ hưu, ĐB đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định nhưng không nên quá 65 tuổi với cả nam và nữ. Còn ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có là gánh nặng cho ngân sách nhà nước hay không vì mức lương của nhiều người được tăng tuổi nghỉ hưu nằm ở mức cao trong thang bảng lương.

“Cần đánh giá thêm, nếu được xin ý kiến nhân dân, đánh giá một số vấn đề như chế độ hưu trí, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, thể lực, trí lực và ý chí của người lao động làm căn cứ cho việc nâng tuổi nghỉ hưu…”, ĐB đề xuất.

Quy định làm thêm giờ phải bảo vệ được người lao động

Băn khoăn về việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên thành 400 giờ, tức tăng thêm 100 giờ so với quy định hiện hành được nêu trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) đề nghị QH phải đưa ra chính sách để làm sao người công nhân làm ít giờ nhưng lương và thu nhập tăng lên. Đồng thời đề nghị với người sử dụng lao động, nếu cần làm thêm phải thỏa thuận với công nhân, phải tính tiền lương theo hướng lũy tiến để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP HCM).

Tranh luận với ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong luật, người lao động được tự nguyện tham gia và không bắt buộc phải làm thêm giờ. ĐB Tuấn cho hay, 400.000 cán bộ y tế 1 tháng làm thêm khoảng 80 giờ, mỗi năm khoảng 1.000 giờ nhưng mức tiền trực rất thấp.

ĐB Tuấn cũng đề nghị quy định rõ ràng với một số nghề nghiệp gây nguy hiểm cho nhiều người như lái xe đường dài, lái xe buýt, lái máy bay… có thể không cho tăng thêm giờ, thậm chí nên có quy định riêng sau một số giờ làm việc nhất định phải nghỉ bảo đảm sức khỏe, sự tỉnh táo, không gây tai nạn giao thông.

Tán thành với việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa nhưng ĐB Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) kiến nghị quy định về vấn đề này phải hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, chấm dứt nhân công giá rẻ, đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi, giảm thời gian làm việc chính thức…

Rà soát lại đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sáng cùng ngày, nhiều ĐB băn khoăn quy định về các trường hợp cấp hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn TP Hà Nội) tán thành phương án 1 với lý do không nên giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.

“Trường hợp Vũ nhôm có vài 3 hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ cùng thời điểm. Phải chăng, từ quy định trùng lặp như phương án 1 vừa qua?”, ĐB Khánh đặt vấn đề và đề nghị Chính phủ gia công xây dựng phương án 1 cho tốt hơn, rõ ràng và minh bạch, tránh chồng chéo, dễ phát sinh lạm quyền.

Ngược lại, ĐB Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) và ĐB Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) lại tán thành với phương án 2, theo đó chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để tránh trường hợp quy định quá chi tiết sẽ dẫn đến phải sửa luật khi thực tiễn thay đổi.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/nong-nghi-truong-quoc-hoi-voi-de-xuat-mo-khung-thoa-thuan-lam-them-gio-tang-tuoi-nghi-huu-456759.html