Nông nghiệp các bon thấp: Giải pháp 'xanh' cho kinh tế trang trại

Hôm nay (23/1), Ban QLDA hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh Lào Cai đã tổng kết Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp năm 2018 và công bố kế hoạch thực hiện năm 2019.

Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp được thực hiện trên cơ sở nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) của Chính phủ, thực hiện từ năm 2013-2019, để tăng cường ứng dụng các công nghệ nhằm sử dụng tối ưu các phụ phẩm nông nghiệp sản xuất năng lượng sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ và các sản phẩm khác để tăng thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân, bảo vệ môi trường nông thôn.

Năm 2018, Dự án đã triển khai lắp đặt 5 mô hình xử lý nước thải sau biogas làm phân hữu cơ lỏng tưới cho cây ăn quả. Mỗi mô hình đã được BQLDA hỗ trợ 02 bể phốt để lắng lọc nước thải, máy bơm, 01 téc nước và hệ thống tưới cho cây trồng.

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Lưu Công Trường (xã Khánh Yên Trung, Văn Bàn, Lào Cai) với đàn bò trên 20 con và 1 ha trồng cam cho doanh thu vài trăm triệu đồng/năm. Tham gia dự án anh Trường được hỗ trợ 5 triệu đồng làm hầm Biogas và một hệ thống tưới nhỏ gọt. Anh Trường cho biết: “Đến nay, gia đình tôi không còn sống chung với ô nhiễm từ chất thải sau chăn nuôi bò. Việc xử lý trong hầm biogas còn tiết kiệm cho chúng tôi một khoảng chi phí đáng kể khi sử dụng năng lượng nấu cám cho bò, nước thải được bơm lên hệ thống tưới vô cùng tiện lợi giảm chi phí nhân công xuống còn 1/3 so với phương pháp thủ công trước đây. Ngoài ra, nó còn là nguồn phân bón hữu cơ thay thế cho các loại phân bón hóa học, tiết kiệm cho gia đình tôi đến 60 triệu đồng/năm”.

Việc chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp như: thực hành ủ phân, xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng được tiến hành ở các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bắc Hà, TP Lào Cai. Các hộ gia đình đều có quy mô chăn nuôi từ 30 con lợn, trâu bò tương đương hoặc từ 1.000 con gà trở lên... kết hợp trồng trọt (cây ăn quả, chè hoặc trồng cỏ để chăn nuôi). Ban QLDA tỉnh hỗ trợ 01 hố ủ phân 10m3 và 01 máy băm chặt cây phân xanh và phụ phẩm trồng trọt, chế phẩm vi sinh.

Ông Lương Văn Nông (Khánh Yên Trung, Văn Bàn, Lào Cai) sử dụng máy băm cỏ phục vụ ủ phân vi sinh

Ông Lương Văn Nông (Khánh Yên Trung, Văn Bàn, Lào Cai) sử dụng máy băm cỏ phục vụ ủ phân vi sinh

Trong năm, Dự án hỗ trợ người dân xây dựng được 704 công trình khí sinh học quy mô nhỏ dưới 50m3 (49 công trình nhận hỗ trợ 3 triệu và 655 công trình nhận hỗ trợ 5 triệu), đạt 85,23% kế hoạch năm 2018.

Hiện, đã giải ngân hỗ trợ 672 chủ công trình khí sinh học quy mô nhỏ với tổng số tiền 3.240.000.000 đồng, lũy kế giải ngân được 3.349 công trình với tổng số tiền 12.031.000.000 đồng (trong đó 3.345 công trình cỡ nhỏ và 4 công trình cỡ vừa nhận hỗ trợ 50 triệu), đạt 98,18% so với số xây dựng/lắp đặt. Lũy kế từ đầu dự án, toàn tỉnh xây dựng/lắp đặt 3.411 công trình KSH đạt 92% so với kế hoạch tổng thể.

Bên cạnh đó, Ban QLDA tỉnh Lào Cai tổ chức lắp đặt, vận hành, nghiệm thu 21 máy phát điện khí sinh học. Hầu hết, máy vận hành tốt, phát điện từ 6 đến 8 tiếng, tiết kiệm chi phí tiền điện cho sản xuất và sinh hoạt, sử dụng triệt để nguồn khí ga cho các hộ gia đình.

Sử dụng máy phát điện khí sinh học đã giúp gia đình ông Đỗ Văn Dậu (Lùng Vai, Mường Khương, Lào Cai) tiết kiệm được ít nhất 1,5-2 triệu đồng tiền điện phục vụ cho sản xuất.

Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 1 mô hình sử dụng hệ thống ống thông khí ASP để sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi tại huyện Văn Bàn, 1 mô hình sử dụng chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế Nhật/Ấn Độ làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản tại huyện Bảo Thắng. Qua 2 tháng, giun quế sinh trưởng phát triển tốt, phân giun có chất lượng cao, được sử dụng bón cho cây ăn quả, để sản xuất các sản phẩm hữu cơ, giun được làm thức ăn cho gà và cá trong trang trại, tiết kiệm chi phí cho hộ gia đình từ 30-100% tiền mua phân hóa học.

Năm 2019, Ban QLDA tỉnh Lào Cai có kế hoạch xây dựng 297 công trình KSH (trong đó 293 công trình KSH quy mô nhỏ, 04 công trình khí sinh học quy mô vừa), hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 3.700 công trình KSH quy mô nhỏ và 08 công trình KSH quy mô vừa.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền cho các cán bộ khuyến nông và nông dân nòng cốt, Lào Cai cũng xây dựng phong trào sản xuất phân ủ hữu cơ vi sinh, kết nối người sản xuất và người mua hàng, hình thành thị trường buôn bán phân ủ hữu cơ vi sinh.

Xây dựng 9 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế giống Nhật hoặc Ấn Độ, làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản và sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các trang trại,hộ chăn nuôi có quy mô vừa và lớn. 05 Mô hình sử dụng hệ thống ống thông khí ASP để sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi. 08 mô hình sử dụng nước thải công trình khí sinh học làm phân bón cho cây trồng. 02 mô hình xây dựng hệ thống tách phân để sản xuất phân hữu cơ.

Nguyên Hoa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nong-nghiep-cac-bon-thap-giai-phap-xanh-cho-kinh-te-trang-trai-post25375.html