Nông nghiệp châu Âu trước 'quyền lực mềm' của Nga

Sự gia tăng của làn sóng nông dân châu Âu đem máy cày 'xuống đường' biểu tình cho thấy những biến động lớn trong đời sống xã hội của nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Không quá khi nói rằng, nền nông nghiệp khu vực đang trải qua những vấn đề mang tính lịch sử.

Máy gặt liên hợp thu hoạch lúa mì trên một cánh đồng tại Nga. Ảnh: RIA Novosti

Nông dân EU điêu đứng

Năm 2024 khởi đầu với liên tiếp các vụ biểu tình của nông dân ở các cường quốc EU. Không chỉ là những hình ảnh gây rúng động mạnh mẽ, mà còn cho thấy một làn sóng bất mãn cao độ tràn lan khắp châu Âu. Nhiều luồng quan điểm tin rằng, nông sản giá rẻ tràn qua biên giới vào các nước EU đã tạo ra cuộc khủng hoảng đối với người nông dân sở tại.

Theo giới quan sát khu vực, về đối nội, chính phủ nhiều nước EU đã phải nhượng bộ nông dân. Đi kèm với đó, chính sách đối ngoại liên quan tới nông nghiệp cũng bị tác động rất mạnh, thậm chí lâm vào tình trạng xấu nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giới quan sát nhận định, cuộc chiến ngũ cốc toàn cầu đang bước vào một giai đoạn căng thẳng.

Trong bối cảnh an ninh châu Âu diễn biến phức tạp, Nga trong năm nay đạt sản lượng nông nghiệp kỷ lục và xuất khẩu đứng đầu thế giới. Nhờ đó, giá nông sản Nga được đẩy xuống mức thấp, khiến nông dân khắp nơi điêu đứng. Trong 2 năm qua, Nga may mắn có được thời tiết vô cùng thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa mì lớn chưa từng có. Nguồn cung dồi dào đã giúp giá lúa mì của Nga được bán ra thế giới với giá rẻ hơn hẳn so với thị trường, làm đảo ngược sự leo thang giá ngũ cốc vào giai đoạn trước mùa xuân năm 2022. Tất yếu với lợi lớn cho Nga là khủng hoảng đối với nông dân ở các nước như Ba Lan.

Đối mặt với việc thu hoạch không có lãi, dù trong bối cảnh bất ổn an ninh, chính trị ở châu Âu, nông dân Ba Lan vẫn tiến hành những biện pháp đáp trả nhắm vào những quốc gia có nền nông nghiệp mạnh, vốn là nguồn cung dồi dào sang thị trường EU. Chính quyền Ba Lan cũng phải tiến hành nhiều biện pháp, bao gồm các động thái đối ngoại. Các cuộc biểu tình đe dọa chính phủ liên minh của Ba Lan đã buộc Thủ tướng Donald Tusk của nước này thuyết phục các nước EU hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ các nguồn cung lớn truyền thống. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Ba Lan sau thời gian dài chịu sức ép từ nông dân Pháp.

Bình luận từ giới chuyên gia quốc tế, dễ thấy trong bức tranh chung hiện nay, làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu là hiện thân của các nền nông nghiệp yếu ớt, dễ sa sút và thất thế hoàn toàn trong cuộc chiến ngũ cốc toàn cầu, nhất là trước nền nông nghiệp khổng lồ của Nga. Điều đáng nói, sự “lép về” này uy hiếp trực tiếp và gây hệ lụy ngay lập tức đến sinh lực của các quốc gia, nhất là làm gia tăng mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội trong nước.

Cần tầm nhìn xa

Trong các định hướng giải quyết sự “lép vế” này, dư luận châu Âu dành nhiều quan tâm tới biện pháp tái áp đặt thuế với Nga. Theo nhận định từ nhiều nhà quan sát, chính quyền Ba Lan, Latvia, Litva cùng các nước ở sườn phía Đông đang cùng chung nỗ lực hối thúc Ủy ban châu Âu tái áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Nga. Ủy ban châu Âu cũng cho thấy những tín hiệu về sự sẵn sàng tiến hành tái áp đặt thuế với Nga. Nếu xảy ra, biện pháp này sẽ khiến giá hàng nhập khẩu từ Nga có thể tăng gấp đôi, mất đi lợi thế về giá rẻ. Từ đó, nông sản của các nước EU sẽ trở thành lựa chọn phù hợp hơn với người dân.

Bên cạnh đó, một luồng ý kiến từ giới chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, biện pháp tái áp đặt thuế đối với hàng nhập khẩu từ Nga thực chất không phát huy hiệu quả về lâu dài mà chỉ là mang tính nhất thời, thậm chí có thể chỉ là một hành động gây ra sự sao nhãng, làm dịu đi phần nào những cơn bức xúc trong xã hội. Tái áp đặt thuế với Nga không phải là giải pháp thực sự cho tình hình kinh tế khó khăn mà nông dân châu Âu phải đối mặt.

Ở góc độ rộng hơn, giới chuyên gia chỉ ra rằng, vấn đề xoay quanh những tác động mà hàng nhập khẩu gây ra đối với nông dân các nước EU dù phức tạp đến đâu cũng chỉ là vấn đề nội tại. Ngay cả khi người nông dân châu Âu lấy lại được thị trường từng là của mình thì cũng chỉ là một thị trường có sức đề kháng kém, dễ gục ngã trước những “cơn bão” từ bên ngoài. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là Nga đang cho thấy xu hướng trở thành nhà thống trị trong cuộc chiến ngũ cốc toàn cầu với những ưu thế vượt trội khó có thể phủ nhận. Điển hình là việc nhiều quốc gia có mức thu nhập thấp sẽ luôn cần nguồn nông sản dồi dào, giá rẻ từ Nga như một nhu cầu thiết yếu.

Vì vậy, ở tầm nhìn xa, các cường quốc phương Tây cần có những giải pháp dài hạn hướng tới mục tiêu tăng lượng xuất khẩu sản phẩm nông sản để ngăn chặn sự thống trị toàn cầu của Nga. Các quốc gia có lượng nhập khẩu lớn nông sản của Nga cần đa dạng hóa nguồn cung nhằm tránh những rủi ro từ sự phụ thuộc ngày càng gia tăng vào Nga.

Trên thực tế, khi các EU gia tăng những áp lực ngăn chặn sự áp đảo thị trường, lượng nông sản dồi dào của Nga đã chuyển hướng đến các khu vực khác, không lấy lợi ích trực tiếp nhưng giúp Nga củng cố tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Nổi bật trong sự chuyển hướng này, năm qua, Nga đã gửi hàng trăm nghìn tấn ngũ cốc miễn phí tới các nước châu Phi và châu Á. Điều này đã giúp Nga ghi dấu ấn lớn về sự tin tưởng và yêu mến trong lòng các chính quyền nơi nông sản Nga tới, đặc biệt là ở các quốc gia chịu sự tàn phá do biến đổi khí hậu. Dễ thấy, lượng nông sản dồi dào, giá rẻ sẽ là một trong những “con át chủ bài” giúp gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị của Nga, từ đó củng cố hữu hiệu sức mạnh toàn cầu và mang tới cho Nga nhiều lợi ích dài hạn.

Bà Caitlin Welsh, Giám đốc Chương trình An ninh nước và lương thực toàn cầu, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) bình luận, sự thống trị ngày càng tăng của Nga trên thị trường nông sản toàn cầu cho thấy, Nga đang sử dụng xuất khẩu lương thực như một hình thức thực thi "quyền lực mềm".

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-nghiep-chau-au-truoc-quyen-luc-mem-cua-nga-post474019.html