Nông nghiệp du lịch thành bản sắc riêng

Lượng du khách có nhu cầu đến thăm quan và trải nghiệm tại các nông trại miệt vườn ở TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng cao. Đây sẽ là hướng đi mới, bền vững và có giá trị cao cho ngành nông nghiệp nếu thành phố biết tận dụng và có chính sách phát triển đồng bộ.

Du lịch nông nghiệp sẽ góp phần đa dạng hóa ngành du lịch thành phố

Một bản sắc cho du lịch thành phố

Theo số liệu thống kê, hàng năm, TP. Hồ Chí Minh trung bình đón khoảng 50% lượt khách quốc tế, trên 1/3 lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 20% doanh thu du lịch cả nước.

Mặc dù có sức tăng trưởng cao song theo nhiều chuyên gia trong ngành, du lịch thành phố lại chưa có bản sắc riêng. Nếu chọn du lịch dịch vụ, du lịch thương mại, TP. HCM chưa thể so sánh được với Singapore, Bangkok…

Nếu chọn du lịch văn hóa lịch sử, thành phố này không cạnh tranh được với Hà Nội, Huế hay các thành phố cổ kính của Trung Quốc. Du lịch y tế, giáo dục cũng không thể thành trọng điểm của ngành trong bối cảnh hiện nay. Bởi vậy, cần phải xác định được bản sắc, mũi nhọn trong định hướng phát triển của địa phương này.

Theo GS. TS Đoàn Thị Hồng Vân – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thành phố có thế mạnh tiềm ẩn mà bấy lâu bị lãng quên. Đó là các huyện ngoại thành - nơi chiếm tới ¾ diện tích của thành phố.

Các khu vực này có rừng sinh quyển Cần Giờ rộng hơn 34.000 ha, làng nghề ở Củ Chi, làng nông nghiệp ở quận 9, đặc biệt là Khu Nông nghiệp công nghệ cao rộng 88ha với nhiều hoạt động nông nghiệp phong phú, có khả năng thu hút khách du lịch cao.

Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu khách du lịch thăm quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng trưởng đều đặn hàng năm khoảng 20-30%. Riêng khu Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, số du khách đến đây đã tăng gấp hơn 2 lần từ 7.000 lượt năm 2014 lên 15.000 lượt năm 2017.

Phía sau sự phát triển nóng

Cùng với nhu cầu đó, số điểm du lịch nông nghiệp đang “mọc” lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo bà Vân, do phát triển ồ ạt theo phong trào, nên chất lượng dịch vụ của các điểm này chưa đồng đều, thậm chí có nơi còn khiến du khách thất vọng.

Thêm vào đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa đa dạng, hầu hết mới chỉ là thăm quan, dã ngoại, ngắm cảnh, chụp hình, nếm sản phẩm… “Các hoạt động nông nghiệp phục vụ du lịch nghèo nàn, được sao chép máy móc từ địa phương này sang địa phương khác, đến đâu cũng tát ao cá…”- bà Vân đánh giá.

Bởi vậy để phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, hiệu quả và hỗ trợ nông nghiệp đi lên, theo GS. TS Đoàn Thị Hồng Vân, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp – du lịch và công thương. “Trước hết phải bắt đầu từ cái gốc nông nghiệp, sản xuất, phải tập trung phát triển nông nghiệp sạch, an toàn. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cần tổ chức chuẩn hóa lại thị trường, chỉ cho lưu thông những mặt hàng sạch, đạt chuẩn”- bà Vân đề xuất.

Đến đây, ngành du lịch sẽ vào cuộc, và cần học tập kinh nghiệm quốc tế, xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các điểm đến du lịch nông nghiệp (các trang trại du lịch, các homstay…). Khi đã đạt chuẩn và được “gắn sao”, sẽ giúp họ marketing và kết nối với du khách- vị giáo sư chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách du lịch có trách nhiệm hướng tới đào tạo, hỗ trộ cộng đồng cư dân địa phương tăng cường năng lực phục vụ.

Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/nong-nghiep-du-lich-thanh-ban-sac-rieng-108215.html