Nông nghiệp hữu cơ trước cơ hội mới

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới. Ở nhiều nước, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp hữu cơ lên đến 15%. Với Việt Nam, Bộ NNPTNT đang có chương trình hành động, lộ trình chi tiết về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với các cây trồng chính, trong đó có sản xuất lúa.

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền.

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền.

Đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là trào lưu của thế giới trong 10 năm trở lại đây, hiện, tổng diện tích canh tác hữu cơ trên thế giới đạt khoảng 71 triệu ha, chiếm 1,5% tổng diện tích canh tác và tiếp tục còn tăng lên trong thời gian tới. Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), hiện có 186 quốc gia phát triển sản phẩm hữu cơ.

“Quan điểm của Bộ NNPTNT là tập trung xác định một số đối tượng cây - con chủ lực để sản xuất hữu cơ ở những khu vực hội tụ đủ các điều kiện đầu vào, không phát triển tràn lan, hình thức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến nay, đã có 46/63 tỉnh, thành phố có tố chức nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 233.000 ha, huy động được 60 doanh nghiệp tham gia trực tiếp sản xuất, có 200 hợp tác xã, 173.000 nông dân sản xuất hữu cơ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ đạt 330 triệu USD.

Đáng chú ý, riêng với mặt hàng lúa gạo, có thể thấy từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo luôn là một trong những điểm sáng trong khi nhiều mặt hàng nông sản ế đọng do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên để xuất khẩu gạo theo hướng bền vững thì sản xuất sạch phải luôn được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, những lô gạo xuất sang EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) càng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe.

Đánh giá về ngành lúa gạo, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) nhận định: Ngành lúa gạo Việt Nam đã, đang và sẽ có những chuyển biến tích cực theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị để xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa.

Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết thực hiện Thông tư này. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã có bộ tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bộ NNPTNT có chương trình hành động, lộ trình chi tiết về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với các cây trồng chính, trong đó có sản xuất lúa.

Theo ông Trung, cùng với việc cải thiện môi trường sản xuất như đất, nước, các vật tư đầu vào nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang được Bộ NNPTNT chỉ đạo đặc biệt phải đẩy mạnh. Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã có các chương trình cụ thể, chi tiết nhằm đẩy mạnh thu hút, khuyến khích các DN đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. Nếu như năm 2016, lượng phân bón hữu cơ của chúng ta chỉ chiếm khoảng 5% thì đến nay, đã tăng lên 18,5% (tương đương khoảng 3 triệu tấn) và đang không ngừng tăng mạnh (so với năm 2016 chỉ có khoảng 0,8 triệu tấn phân bón hữu cơ). Bên cạnh đó, hiện tỉ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng đã nâng lên chiếm khoảng 21%. Đây là những bước tiến rất nhanh chóng nhằm tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là sản xuất lúa trong giai đoạn tới.

Với sản xuất hữu cơ, có ý kiến cho rằng, phải xác định được vùng sản xuất chính, có lợi thế sản phẩm chủ lực và thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, xây dựng quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại các vùng chưa hoặc ít bị ô nhiễm. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, lãi vay cho các chủ thể đang trong giai đoạn xử lý đất để chuyển sang canh tác hữu cơ. Cũng như hỗ trợ chi phí đăng ký chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cũng đang đứng trước cơ hội xuất khẩu sản phẩm hữu cơ rất lớn từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. EU là thị trường lớn, trong quy mô thương mại nông sản hữu cơ thế giới thì riêng thị trường EU chiếm đến 50%. Nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt thì hoàn toàn có thể thâm nhập được vào thị trường này.

Hải Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-nghiep-huu-co-truoc-co-hoi-moi-507991.html