Nông nghiệp Nam Bộ chịu ảnh hưởng do bão Tembin

KTNT - Cơn bão số 16 (Tembin) đã đi qua, nhưng các tỉnh khu vực Nam Bộ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là cây trồng, hoa màu của bà con nông dân.

Kiên Giang: Lúa sắp thu hoạch bị ngã đổ hàng loạt

Sau khi cơn bão Tembin đi qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có thông tin sơ bộ về diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại huyện An Minh đã có khoảng hơn 12.600ha lúa vụ mùa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm bị ngã đổ do mưa bão, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Còn tại huyện An Biên, thống kê cũng có khoảng 17.000ha lúa vụ mùa và lúa đông xuân sớm trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngã, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất.

Nhiều diện tích lúa tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ bị thiệt hại do cơn bão Tembin

Đối với huyện Vĩnh Thuận và huyện U Minh Thượng có khoảng 5.000ha lúa mùa bị đổ ngã. Trước đó, các ngành chức năng của các huyện trên địa bàn tỉnh đã huy động lực lượng, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch những trà lúa đã chín để chạy bão, đối với các diện tích lúa chín thì bơm rút nước nhằm hạn chế thiệt hại.

Nhiều tỉnh khu vực Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng bảo Tembin

Theo đó, tại tỉnh Hậu Giang, nông dân các huyện Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp… xuống giống khoảng 40.000ha lúa đông xuân. Hiện, bà con tích cực bơm rút nước và diệt ốc bươu vàng để tránh bị thiệt hại sau đợt mưa bão vừa qua.

Đối với các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, TP. Cần Thơ… nhiều nông dân cũng lo lắng vì những trận mưa của cơn bão số 16 vừa qua sẽ gây ảnh hưởng cho hoa kiểng tết 2018. Cụ thể, những cơn mưa mới đây sẽ gây bất lợi cho một số loại hoa kiểng tết, trong đó lo ngại nhất là cúc mâm xôi. Nhiều diện tích cúc mâm xôi có nguy cơ bị nhiễm bệnh và trổ bông sớm…Vì vậy, ngành nông nghiệp các địa phương hiện cũng đang tích cực hỗ trợ nông dân trồng hoa tết các giải pháp kỹ thuật để xử lý như phun thuốc, cung cấp cho hoa thêm các chất dinh dưỡng, tạo môi trường thông thoáng, nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh và ra bông sớm.

Đồng Tháp: Địa phương tiên phong trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với mục tiêu đề ra “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong khu vực ĐBSCL triển khai thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Sau thời gian 3 năn thực hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả bước đầu.

Theo đó, 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt, được tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, nâng chất lượng, giá trị hàng nông sản thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành nên chuỗi giá trị ngành hàng và đạt được kết quả bước đầu. Cụ thể, việc tái cơ cấu đã quy hoạch được vùng nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng Tháp đã tiến hành cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm cho 100% diện tích nuôi với khoảng 1.500ha/năm. Trong đó 60% diện tích áp dụng tiêu chuẩn GAP và tương đương đồng thời thành lập các HTX gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, từ đó người nuôi cá có lãi.

Sau 3 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Đồng Tháp đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia của doanh nghiệp, sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người nông dân là hết sức cần thiết. Trong mỗi ngành hàng, cần phát huy vai trò doanh nghiệp làm “hạt nhân”, để vừa tăng cường liên kết, vừa tạo sức mạnh đưa sản phẩm vươn xa ra thế giới.

Tuy nhiên, việc tái cơ cần phải bám sát nhu cầu thị trường và xem thị trường là yếu tố quan trọng để sản xuất cho phù hợp với thị trường. Do đó, việc đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng thu nhập cho nông dân là điều cần thiết./.

Mạnh Tiến (tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nong-nghiep-nam-bo-chiu-anh-huong-do-bao-tembin-post9876.html