Nông nghiệp nhiều tin vui

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, 'nông nghiệp có tin vui' là dòng tiêu đề xuất hiện trên nhiều mặt báo những ngày cuối năm. Đó là nhờ giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt chỉ tiêu, đạt 53,2 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị xuất siêu của ngành chiếm khoảng 70% tổng giá trị của nền kinh tế.

Đạt và vượt các chỉ tiêu

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành nông NN - PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cho biết, kết quả đạt được trong năm 2022 là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như tinh thần vượt khó của toàn thể bà con nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Nguồn: ITN

Đồng thời, ngành nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất thường nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến thực tiễn về “tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng.

Ngành đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Bộ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện. Năm 2022, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án và 229/229 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao.

Đặc biệt, Bộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực (gạo, trái cây, thủy sản, gỗ...) và tại các thị trường trọng điểm. Các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa cũng được tăng cường, các hoạt động kết nối cung cầu, liên kết chuỗi giá trị nông sản liên tục được tổ chức. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao.

Chia sẻ kinh nghiệm địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, hướng đi của tỉnh là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh khoảng 300.000ha, trong đó phần ứng dụng công nghệ cao 63.108ha. Nhờ cách làm này, giá trị sản xuất trên mỗi hécta đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3 - 4 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, dưới định hướng của Bộ NN - PTNT, Lâm Đồng phát triển nông nghiệp đa giá trị bằng cách tích hợp với giáo dục, du lịch.

Sẵn sàng với mọi tình huống

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong bối cảnh kinh tế năm 2022 còn nhiều khó khăn, biến động, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ngoạn mục. Đóng vai trò quan trọng trong thành tích chung là kim ngạch xuất nhập khẩu của nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Cũng trong năm 2022, Bộ Công thương và Bộ NN - PTNT đã ký thỏa thuận để cụ thể hóa các hoạt động hợp tác đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành nông nghiệp. Trong đó có các hợp tác về công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đàm phán xúc tiến thị trường phi thuế quan, phát triển làng nghề nông nghiệp, quản lý vật tư nông nghiệp và điện khí hóa trong ngành nông nghiệp và nông thôn.

Năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề xuất hai bộ tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.

Cùng với đó, chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Về phương hướng năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, toàn ngành nông nghiệp cần nêu cao tinh thần "sẵn sàng với mọi tình huống". Phấn đấu tăng trưởng toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%...

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã chủ động bằng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, cũng như các công tác xúc tiến, tiếp cận mở rộng thị trường. Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều địa phương đã thay đổi cách tiếp cận về nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Người tiêu dùng cũng có thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam nhiều hơn, giúp hàng Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường 100 triệu dân. Với tiêu chí lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ, ngành nông nghiệp cam kết kiên trì mục tiêu thực hiện: “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Lâm Hiển

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nong-nghiep-nhieu-tin-vui-i314147/