Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh - 'Quả ngọt' sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 'tam nông'

10 năm qua, nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng. Từ đó, gia tăng giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Nông nghiệp thành phố đang hướng đến công nghệ cao

Nông nghiệp thành phố đang hướng đến công nghệ cao

Dấu ấn đậm nét

Cách đây tròn 10 năm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, Khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26). Ngay sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình Hành động số 43-CTr/TU ngày 20/10/2008 thực hiện Nghị quyết này.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, để triển khai Nghị quyết 26, Sở đã chủ động cùng các cấp các ngành và địa phương tập trung triển khai 750 lớp tập huấn, với hơn 44.935 lượt cán bộ cơ sở, nhân dân về kiến thức liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới…

Theo ông Dương Hoa Xô - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, thành phố đã chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học. Từ đó, gia tăng giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương này ước đạt 20.973 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2017, tăng bình quân 5%/năm. Trong khi đó, tỷ lệ tăng bình quân của cả nước chỉ ở mức 3,9%/năm.

Giá trị bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp cũng tăng từ 117,5 triệu đồng/ha/năm 2008 lên 502 triệu đồng/ha/năm 2018, tương đương tăng 4,26 lần. Tổng vốn huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong 10 năm thực hiện đạt 106.595 tỷ đồng.

Mặt khác, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố đã chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa, trồng mía hiệu quả thấp sang các các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao hơn như rau an toàn, hoa cây cảnh, chăn nuôi bò sữa, heo, nuôi tôm nước lợ, cá cảnh.

Nâng cao giá trị nông nghiệp và thu nhập nông dân

Tại cuộc họp đánh giá về 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh – cho biết, tính chất đặc thù của sản xuất nông nghiệp thành phố là nông nghiệp đô thị, sản xuất trên diện tích nhỏ, lẻ.

Địa phương này chỉ có 5,7% hộ làm nông nghiệp, nhưng lao động thực sự sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 0,7% dân số, đóng góp 0,8% GRDP thành phố. Trong 115 nghìn ha đất nông nghiệp, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ chiếm tới 75 nghìn ha.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thành phố đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho cả vùng. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh phục vụ nông nghiệp và thủy sản.

Qua 10 năm, số hộ nghèo tại khu vực nông thôn thành phố chỉ còn 9.398 hộ, chiếm tỷ lệ 2,5% trên tổng hộ dân tại 5 huyện. Thu nhập người dân vùng nông thôn ngoại thành được tăng lên khá rõ. Cụ thể, nếu như năm 2008, thu nhập bình quân của người dân chỉ ở mức 15,73 triệu đồng/người thì đến năm 2018, con số này đã tăng 3,5 lần, lên mức 54,7 triệu đồng/người.

Theo đánh giá của thành phố, việc triển khai Nghị quyết 26 thông qua việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn được tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, diện mạo nông thôn từng bước thay đổi khá rõ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh. Nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Nông dân đã có sự thay đổi cơ bản về tư duy, tập quán canh tác và sinh hoạt, cuộc sống được cải thiện hơn.

Nguyễn Phượng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-nghiep-tp-ho-chi-minh-qua-ngot-sau-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-tam-nong-113017.html