Nông nghiệp trước thách thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

Hội đồng châu Âu (EC) ngày 25/6 đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.

Ngày 26/6, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị đánh giá những cơ hội và tác động của Hiệp định EVFTA đối với nền nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Hội đồng châu Âu (EC) ngày 25/6, đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định sẽ được ký vào ngày 30/6/2019, tại Hà Nội.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 16 hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, có tác động trực tiếp, sâu rộng tới nhiều lĩnh vực KT-XH, chính trị, thương mại…

Đặc biệt với 2 hiệp định tự do hóa hương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA (sắp được ký kết), đây là 2 hiệp định có cơ hội rất lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để đẩy mạnh XK cũng như nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, đây cũng là 2 hiệp định tạo ra những thách thức không nhỏ cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Cụ thể với hiệp định mới nhất là EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam sẽ cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản cam kết về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% sau 10 năm. Các nước EU sẽ cắt giảm về 0% lần lượt năm 1 và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng quy định về quy tắc nguồn gốc xuất xứ thuần túy hoặc giá trị nội khối đối với nông sản. Quy tắc này trong các hiệp định này được xây dựng dựa trên nền tảng trong khuôn khổ WTO và được áp dụng chung cho các nước thành viên.

EVFTA trong một số trường hợp có quy định chặt chẽ hơn Hiệp định CPTPP như yêu cầu về xuất xứ thuần túy với gạo, điều bóc vỏ, tiêu, cà phê, thủy sản chế biến, tôm, thịt lợn, thit bò, thịt gà hoặc vừa yêu cầu giá trị nguyên vật liệu đầu vào không vượt quá 70% giá EXW (giá xuất xưởng) vừa phải có công đoạn sản xuất phải được thực hiện ở Việt Nam, ví dụ như đối với sản phẩm đồ gỗ… Hiệp định EVFTA cũng quy định nhiều cam kết như cam kết SPS và TBT; cam kết đầu tư, cam kết sở hữu trí tuệ…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá những tác động của Hiệp định EVFTA đến nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, EVFTA tiếp tục là một trong những FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”. Việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cải cách thể chế theo hướng tích cực, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ tri thức, kinh nghiệm quản lý, tạo thêm nhiều việc làm trong nước…

Bên cạnh các cơ hội, thuận lợi nêu trên; khi các Hiệp định đi vào thực thi với các cam kết sâu rộng và tính ràng buộc cao, được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Cụ thể như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn, do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm, trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế...

Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), bên cạnh nhiều cơ hội, Hiệp định EVFTA sẽ khiến nền nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như: Gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế.

Nông nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với cả thuận lợi và nhiều thách thức trước Hiệp định EVFTA.

Trong khi, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dụng nội địa. Điều này dẫn tới nguy cơ đánh mất thị trường nội địa cao khi mà các nông sản từ Canada hay Nhật Bản đều có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Thái Lan hiện đang có cả hai lợi thế này so với Việt Nam, và hiện nay đang thâm nhập mạnh vào thị trường nội địa. Áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi và mía đường.

Bên cạnh đó, nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT tại các thị trường khó tính như Nhật và các nước EU khi sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề VSATTP, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng.

Việt Nam cũng sẽ khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo quyền lợi được hưởng ưu đãi thuế quan đối với một số ngành do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu (điều, gỗ…) hoặc trong nước do chưa xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng minh về nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi…

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-nghiep-truoc-thach-thuc-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-post244159.html