Nông nghiệp và ngoại thành tạo cú hích tăng trưởng xanh cho TP Hồ Chí Minh

Để tạo cú hích tăng trưởng, hiện TP Hồ Chí Minh đang tập trung khai thác lợi thế tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi và các huyện ngoại thành. Đón đầu cơ hội này, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài cũng đã đầu tư lớn để hiện diện ở đây từ nhiều năm trước.

Thông tin về dự án “Đô thị sinh thái nông nghiệp thực phẩm công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi, ông Ken Chan, đại diện cho CMIA Capital Partner và Surbana Jurong cho biết, đây là dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích 1.018ha. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm rộng khoảng 300ha.

Tại đây còn có khu logistic, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai để tạo nguồn nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp - thực phẩm khép kín. Tại đây cũng sẽ có khu đô thị sinh thái với quy mô dân số 100 nghìn người, là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng. Mục tiêu của dự án là tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 2 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50 nghìn lao động. Đây được coi là dự án khởi đầu cho đô thị nông nghiệp sinh thái công nghệ cao trên cả nước.

Với lợi thế về đất đai, không gian, khu vực ngoại thành sẽ phát triển thành các đô thị xanh.

Ông Cristiano Guerresi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH HM. Clause Việt Nam chia sẻ, tại khu nông nghiệp công nghệ cao của TP Hồ Chí Minh, công ty đang tập trung phần lớn hoạt động kinh doanh với doanh thu hiện tại đạt khoảng 3 triệu Euro và dự kiến sẽ đạt khoảng 5 triệu Euro vào năm 2027. Với hoạt động sản xuất, phát triển tất cả các loại hạt giống cho thị trường Việt Nam và quốc tế, tham vọng của HM. Clause sẽ trở thành công ty hạt giống hàng đầu của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, công ty đang tiếp tục đầu tư thêm khoảng 500 nghìn Euro mỗi năm cho việc nâng cao chất lượng tại trụ sở chính ở huyện Củ Chi. Đồng thời đầu tư thêm khoảng 4 triệu Euro trong những năm sắp tới để mở rộng sản xuất và hỗ trợ người nông dân trong việc chuyển giao công nghệ.

Hoạt động trong lĩnh vực xử lý gia nhiệt trái cây tươi bằng công nghệ nhập khẩu 100% từ Nhật Bản và chế biến các sản phẩm từ trái cây bằng dây chuyền công nghệ từ châu Âu, Công ty Goodlife Holdings đến từ Nhật Bản cũng đã đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh số vốn 5 triệu USD từ năm 2009. Hiện nay doanh thu của công ty đã đạt khoảng 5 triệu USD mỗi năm, thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ và châu Âu. Dự kiến doanh thu sẽ đạt khoảng 10 triệu USD vào năm 2023 sau khi nhà máy chế biến trái cây chính thức đi vào hoạt động. Công ty còn kỳ vọng doanh thu sẽ tăng gấp từ 5 - 10 lần nếu Goodlife mở rộng quy mô hoạt động sản xuất. Hiện doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm 5 triệu USD để xây dựng mở rộng nhà máy chế biến sản xuất các sản phẩm từ trái cây, góp phần đưa các sản phẩm từ nông sản của Việt Nam ra thế giới…

Như vậy, dù đóng góp từ ngành sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thu ngân sách thành phố hàng năm, nhưng với tiềm lực diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 41% diện tích đất toàn Thành phố, những nhà đầu tư lớn có mặt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên đã và sẽ góp phần đẩy mạnh khai thác tiềm lực này để đưa kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng nhanh, bền vững.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thành phố cho rằng, trước nguy cơ bị tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu và đặc điểm cao độ địa hình, địa chất của TP Hồ Chí Minh, Thành phố cần xác định trục phát triển đô thị trên cả 4 hướng, bao gồm hướng Đông là TP Thủ Đức, hướng Nam ra biển, hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam. TP Hồ Chí Minh cần phối hợp với các tỉnh liền kề, nhất là tỉnh Đồng Nai để cùng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Phối hợp với tỉnh Bình Dương để điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thuận An và TP Dĩ An, nơi đang có phần lớn diện tích đất của trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Phối hợp với tỉnh Long An để điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Đức Hòa, Cần Giuộc và phối hợp với tỉnh Tây Ninh để điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Trảng Bàng.

Để tạo đà phát triển liên vùng, TP Hồ Chí Minh cũng cần bổ sung quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi, kết nối vào Quốc lộ 22, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Quốc lộ 13, Tỉnh lộ 8 để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực Tây Bắc Thành phố. Trong đó gồm cả huyện Trảng Bàng - tỉnh Tây Ninh, huyện Bến Cát - tỉnh Bình Dương và huyện Đức Hòa - tỉnh Long An. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với Vũng Tàu và đường ven biển phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Kiên Giang…

Tuy nhiên, để TP Hồ Chí Minh và cả khu vực có sự liên kết chặt chẽ, ông Châu đề nghị cần thiết xem xét việc thí điểm thành lập Hội đồng vùng TP Hồ Chí Minh. Vùng TP Hồ Chí Minh gồm Thành phố và 7 tỉnh, trùng khớp với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Hội đồng vùng TP Hồ Chí Minh do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo sẽ phát huy vai trò động lực của Thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như đối với khu vực và cả nước”, ông Châu nói.

Đ.Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nong-nghiep-va-ngoai-thanh-tao-cu-hich-tang-truong-xanh-cho-tp-ho-chi-minh-i657708/