Nông nghiệp Việt Nam: Khó khăn chồng khó khăn, ngư dân vẫn nỗ lực vươn khơi

Khoảng 40-55% trong 91.000 tàu cá trên cả nước đang nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao, làm ảnh hưởng tới thu nhập và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Nhiều giải pháp gỡ khó để tàu cá tiếp tục vươn khơi sẽ là nội dung chính trong chương trình Nông nghiệp Việt Nam ngày 16/7/2022.

EU SẴN SÀNG HỖ TRỢ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG, THUẬN THIÊN

Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp EU trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều VN - EU đạt gần 26,2 tỉ USD, tăng gần 14,4% so với cùng kỳ 2021. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với EU trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu với tư cách là một quốc gia cung cấp lương thực, thực phẩm “trách nhiệm, minh bạch, bền vững”.

Ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy Nông nghiệp EU khẳng định, EU rất mong muốn nhập nông sản nhiệt đới của Việt Nam và có nhiều hoạt động phối hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Cùng với đó, EU đang đầu tư 1 số dự án phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, thuận thiên tại Việt Nam.

XUẤT KHẨU THỦY SẢN NHIỀU NHẤT SANG MỸ

Thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày càng nhiều, trở thành thị trường xuất khẩu số 1 với 23% thị phần. Tuy nhiên, theo VASEP, nửa cuối năm xu hướng này sẽ chậm lại. Nguyên nhân là cạnh tranh giữa các nhà cung cấp rất mạnh, tồn kho nhiều khiến giá giảm. Chiến tranh Nga - Ukraine khiến chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt. Cuối cùng là lạm phát giá dầu toàn cầu làm trầm trọng thêm vấn đề về chuỗi cung ứng.

SẦU RIÊNG CHÍNH THỨC ĐƯỢC XUẤT KHẨU SANG TRUNG QUỐC

Sau hơn 2 năm chuẩn bị và đàm phán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nghị định thư kéo dài trong 3 năm. Sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan nước này cho phép nhập khẩu trái cây. Những lô hàng không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào quốc gia này.

NÔNG DÂN “BỎ LÚA” VÌ GIÁ PHÂN BÓN, VẬT TƯ QUÁ CAO

Giá phân bón và vật tư quá cao nên diện tích canh tác lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm tới hàng nghìn hecta. Cụ thể, vụ hè thu năm nay , tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ là trên 1,5 triệu hecta, giảm 20 nghìn ha so với vụ hè thu năm ngoái. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống trên 1,4 triệu ha, giảm 16.000ha; còn vùng Đông Nam Bộ xuống giống 82.000ha, giảm 3.600ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, giá phân bón hiện nay rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc để tiết kiệm sản xuất.

PHÁP MỞ RỘNG PHẠM VI CẤM SỬ DỤNG THUỐC TRỪ SÂU

Việc sử dụng thuốc trừ sâu tiếp tục bị cấm ở nhiều nơi hơn ở Pháp trong một sắc lệnh mới, bao gồm các khu vườn tư nhân, khách sạn, trường học, ký túc xá, khu cắm trại, nhà trọ, công viên giải trí, cơ sở chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão, trung tâm y tế, khu phức hợp thể thao và nghĩa trang.

Nghị định mới vừa có hiệu lực đã mở rộng phạm vi của Luật Labbé - cấm sử dụng các sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật trong không gian xanh. Như vậy, những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật này không còn được sử dụng để duy trì các không gian xanh, lối đi bộ, rừng hoặc các khu vực xanh khác trong các không gian hoặc điểm tham quan công cộng.

Luật mới cũng có hiệu lực bao gồm cả ở những không gian riêng tư và những không gian có đông công chúng đi lại, kèm theo một danh sách đầy đủ các không gian bị cấm sử dụng thuốc trừ sâu như các khu vườn tư nhân và không gian ngoài trời của họ. Nghị định mới về hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu ở Pháp được ban hành, sau khi một số loại thuốc trừ sâu có liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác nhau trong những năm gần đây để phân định rõ địa điểm được sử dụng.

KHỦNG HOẢNG GẠO ĐANG “RÌNH RẬP” CHÂU Á

Khí đốt tự nhiên là nguyên liệu chính được sử dụng bởi tất cả các nhà sản xuất phân bón lớn, ngoại trừ Trung Quốc để sản xuất amoniac - thành phần chiếm tỷ lệ 80% trong phân bón. Nga, Ukraine và Belarus là những nhà xuất khẩu phân bón có chứa nitơ chủ lực, nhưng tác động kết hợp từ xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ba quốc gia trên. Các chuyên gia lương thực thế giới cảnh báo, giá gạo sẽ tăng lên, do chi phí phân bón bị đội giá làm ảnh hưởng đến năng suất trồng lúa - loại cây lương thực chính của ít nhất 2 tỉ người ở Châu Á. Ngoài ra, thiếu phân bón sẽ dẫn đến giảm năng suất mùa màng.

UKRAINE TĂNG TỐC XUẤT KHẨU NGŨ CỐC

Từ cuối tháng 2/2022 đến nay, các cảng của Ukraine ở biển Đen, chiếm khoảng 80% xuất khẩu nông sản của nước này, đã bị phong tỏa. Tuy nhiên, gần đây, Ukraine nỗ lực xuất khẩu ngũ cốc bằng đường sông. Theo đó, mở cửa sông Bystre là bước quan trọng nhằm tăng tốc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, với 16 tàu đã đi qua cửa sông trong tuần qua. Nếu đáp ứng đủ các điều kiện với việc mở cửa sông Bystre, lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được hy vọng sẽ tăng lên 500.000 tấn/tháng.

GIÁ XĂNG DẦU TĂNG KỶ LỤC - HƠN 50% TÀU CÁ NẰM BỜ

Từ tháng 12/2021 đến nay, giá xăng, dầu liên tục tăng cao và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống và an sinh xã hội của người dân; trong đó có cộng đồng ngư dân ven biển và ngành khai thác thủy hải sản. Vậy thực tế này như thế nào? Những tác động tới đời sống ngư dân cũng như hoạt động kinh tế biển ra sao? Nỗ lực vượt khó và hỗ trợ để ngư dân vươn khơi bám biển là gì? Sẽ là những nội dung được đề cập trong tiêu điểm nông nghiệp tuần này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung cả nước đến thời điểm này, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê... , ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống của ngư dân.

Một phần nguyên nhân là nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel - nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65%. Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỉ đồng/tháng. Trong khi chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 - 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề.

Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%, giá bán hải sản lại tăng không đáng kể. Những khó khăn vừa nêu dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào. Mặt khác, số lượng tàu cá ngừng sản xuất, không thường xuyên có mặt trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

BÌNH ĐỊNH TÀU CÁ NẰM BỜ DO GIÁ XĂNG DẦU QUÁ CAO

Việc khoảng 50% tàu cá nằm bờ cho thấy một thực tế buồn cho ngành khai thác thủy hải sản và đời sống của ngư dân cũng bị ảnh hưởng. Tại Bình Định - nơi có gần 6.000 tàu cá, "phủ sóng" khắp các ngư trường lớn, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng liên tục đến 7 lần, khi giảm thì nhỏ giọt khiến ngư dân chật vật bám biển. Nhiều chủ tàu không kham nổi khi giá dầu tăng cao, buộc phải nằm bờ. Tàu nằm bờ, mọi hoạt động tại các cảng cá trở nên đìu hiu - một tiền lệ chưa bao giờ có, kể cả trong thời gian cao điểm dịch Covid-19.

Tàu cá xa bờ có công suất trên 700 CV của thuyền trưởng Phạm Tánh trở về cập bến tại cảng cá Quy Nhơn sau chuyến ra khơi đầu tiên trong năm nay. Hơn 20 tấn cá ngừ sọc dưa sau gần một tháng đánh bắt, giá bán cho tư thương không tăng, trong khi giá dầu tăng chóng mặt, chi phí vật tư, phí tổn cho chuyến biển đều tăng mạnh khiến cho cả chủ tàu và thuyền viên rất thất vọng, thậm chí phải gánh một khoản nợ.

Ngư dân PHẠM TÁNH, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định: "Đợt này vô thấy giá dầu lên quá mà cá cũng không được tăng giá, cũng thấy khó khăn quá mà giờ không biết làm thế nào".

Qua nhiều đợt giá xăng dầu tăng mạnh, rất nhiều ngư dân phải cho tàu nằm bờ, số tàu xuất nhập cảng chỉ bằng 65% cùng kỳ nằm ngoái, dù thời điểm đó đang là cao điểm của dịch Covid-19. Lượng tàu cá nằm bờ quá lớn còn dẫn đến nhiều khó khăn cho hậu cần nghề cá.

Chị CÙ THỊ THIẾP, cửa hàng kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá Hòa Phú, Bình Định: “Giá mua vào thì cao, bán thì chậm. Ngư dân không đi biển, lượng khách giảm nhiều lắm."

Ông ĐÀO XUÂN THIỆN, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định: “Tương ứng với giảm tàu ra khơi, dịch vụ hậu cần cũng giảm, phải giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái."

Để giúp ngư dân một phần chi phí, chương trình hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt vùng biển xa thời gian qua được tỉnh Bình Định triển khai. Được hỗ trợ 4 chuyến biển/năm nhưng đợt tăng giá xăng dầu năm nay xem ra không giúp gì trong việc vươn khơi, hầu hết họ chấp nhận nằm bờ, bỏ biển.

CÀ MAU: NHIỀU TÀU CÁ NẰM BỜ DO CHI PHÍ TĂNG CAO

Tương tự như vậy, tại một số địa phương vùng biển phía Nam, người dân làm nghề khai thác biển tiếp tục gặp khó, thậm chí thua lỗ trong nhiều tháng qua. Việc xăng dầu tăng cao như “giọt nước tràn ly” buộc nhiều phương tiện nằm bờ. Ghi nhận tại tỉnh Cà Mau.

Nhiều tháng nay, mặc dù không ra khơi nhưng anh Nhật ở thị trấn Sông Đốc vẫn thường xuyên kiểm tra các thiết bị, máy móc cùng ngư lưới cụ trên tàu cá để tránh hư hỏng. Không gánh nổi chi phí, gia đình anh buộc phải dừng ra khơi để tránh thua lỗ.

Ông DƯƠNG MINH NHẬT, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: "Chi phí giờ tăng cao lắm, nếu giờ đánh được 500 triệu đồng thì tiền lời của người chủ mất hết vì chi phí lên cao, nhân công lao động cũng lên."

Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 5.000 phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Sông Đốc với hơn 1.350 phương tiện. Hiện hơn 60% phương tiện phải nằm bờ do chi phi tăng cao, sản lượng khai thác vì thế cũng giảm đáng kể.

Ông DIỆP HỒNG KỲ, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: "Vừa lỗ chi phí dầu rồi thêm chí phí nhân công tăng nên cũng lỗ luôn. Tình hình dịch kéo dài mà giá sản phẩm thì không tăng, chắc phải đậu ghe lại."

Ông NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: "Giá dầu tăng, những chi phí khác cũng tăng nên ảnh hưởng lớn việc khai thác của ngư dân. Tôi kiến nghị các ngành chức năng xem xét có những chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc khai thác thủy sản."

Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm là hơn 117.500 tấn, đạt 51% so với kế hoạch đề ra. Tàu khai thác thủy sản nằm bờ ngày càng tăng khiến nguồn cung giảm mạnh, ngành chế biến và xuất khẩu thủy cũng đang gặp khó.

TÀU CÁ NẰM BỜ, NGÀNH KHAI THÁC - CHẾ BIẾN THỦY SẢN GẶP KHÓ

Không chỉ ngư dân gặp khó, hàng loạt tàu thuyền nằm bờ do giá xăng dầu ở mức cao đã khiến hoạt động chế biến hải sản của nhiều doanh nghiệp bị tác động do thiếu nguyên liệu.

Dừng sản xuất từ đầu năm, gần 1 tháng nay, dây chuyền chế biến hải sản xuất khẩu này mới hoạt động trở lại. Dù vậy cũng chỉ có khoảng 50% công nhân làm việc, với thời gian vài ba tiếng mỗi ngày, bởi nguồn nguyên liệu không được cung cấp đầy đủ do tàu cá của ngư dân nằm bờ.

Còn nhà máy này, thời gian gần đây cũng chỉ nhập từng xe nguyên liệu ít ỏi như thế này. Để có thể hoạt động cầm chừng, nhiều doanh phải chấp nhận bù lỗ, tổ chức thu mua hải sản từ nhiều nơi khác, nhằm giữ chân người lao động trong thời điểm khó khăn.

Ông LƯƠNG HỮU TUÂN, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Thanh: “Thời điểm trước khi giá xăng dầu xăng, ngư dân còn chịu đựng được, đi đánh bắt được thì doanh nghiệp hoạt động từ 15-17 ngày, hiện tại chỉ có hàng cho 10 ngày/tháng, còn lại 15-18 ngày phải dừng sản xuất toàn bộ. Đây là bài toán rất nan giải, không biết nếu tình hình cứ như này thì chúng tôi sẽ trụ lại được bao lâu nữa.”

Ông NGUYỄN VĂN CHÍN, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu: “Dù mình không làm, không có sản phẩm cũng phải trả lương cho công nhân, giữ họ để khi có hàng còn làm. Doanh nghiệp có hướng đi như vậy, tạo điều kiện cho công nhân”.

Tại Kiên Giang, nguồn thủy sản sụt giảm ảnh hưởng lớn đến các nhà máy chế biến thủy hải sản và nguồn nguyên liệu hải sản xuất khẩu. Nhiều khả năng các đơn hàng đã kí kết trước đó sẽ bị hủy.

Ông ĐÀO HOÀNG CHIẾN, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường: “Bây giờ, công ty phải có chính sách giảm thiểu chi phí sản xuất, tinh gọn bộ máy, đợi chờ một cơ hội. Có thể là tới khi xăng dầu giảm xuống, chi phí sản xuất giảm xuống, nguyên liệu có trở lại thì hy vọng lúc đó công ty sẽ vượt qua được khó khăn hiện tại.”

Chưa bao giờ, ngành khai thác và chế biến hải sản lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu không có phương án hỗ trợ kịp thời, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tàu cá nằm bờ, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản điêu đứng.

KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT VÀ NỖI LO BÁM BIỂN

Có thể thấy, từ nhiều tác động, nhất là khi xăng dầu liên tục tăng giá, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hàng ngàn tàu cá nằm bờ và hệ quả tất yếu là ngư dân và các doanh nghiệp chế biến thủy sản lao đao vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Trên thực tế, ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy những tác động đó là gì, phóng viên Truyền hình Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Khoa học Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Mời quý vị cùng theo dõi!

QUẢNG NGÃI NGƯ DÂN VƯỢT KHÓ KHI GIÁ DẦU TĂNG CAO

Đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng với những người lấy biển khơi làm nguồn sống, trong khó khăn vẫn cố gắng tìm nhiều cách để đưa tàu ra khơi. Những hình ảnh trong phóng sự sau đây là một ví dụ cho nỗ lực này.

Trong những ngày giá dầu tăng cao, tại cảng cá Sa Kỳ tỉnh Quảng Ngãi vẫn có 2/3 số tàu tất bật ra khơi. Ngư dân Trần Hơn ở xã Nghĩa An có tàu hành nghề câu ở vùng biển Hoàng Sa. Một chuyến biển kéo dài chừng 20 ngày, nhiên liệu tiêu tốn trên 2 tấn dầu nên anh tìm mọi cách để giảm chi phí.

Ngư dân TRẦN HƠN, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi: “Giá dầu tăng cao thì mình đi tiết kiệm thôi, chứ không tăng ga nhiều như mọi bận. Đi chậm hơn, mất thêm chút công lao động. Còn thực phẩm thường ngày mua sắm cho chuyến biển, giờ mua ít hơn."

Nhiều ngư dân có tàu đánh bắt ở vùng biển xa được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền dầu, trong thời điểm này càng thấy có ý nghĩa. Ngư dân tiếp tục bơm dầu vào tàu, chuẩn bị đá cây, thực phẩm và làm thủ tục để ra khơi.

Ngư dân NGÔ VĂN NĂM, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi: “Giá dầu tăng cao, mình có Nhà nước hỗ trợ dầu 4 chuyến để ra khơi."

Ông NGUYỄN HOÀN MINH PHÚ, Phó Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Sa Kỳ, Quảng Ngãi: “Ban quản lý vận động bà con cố gắng vượt khó bám biển. Qua trao đổi, ngư dân cũng tâm tư mong nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ dầu sớm hơn để bà con có điều kiện vươn khơi."

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có sự can thiệp nhằm giảm giá xăng dầu, giảm đi phần nào áp lực cho những ngư dân mà với họ, giá xăng, dầu chiếm 40-50% tổng chi phí cho mỗi chuyến đi biển. Động thái này giúp những con tàu đánh bắt cá tiếp tục vươn khơi, góp phần cải thiện đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

NGHIÊN CỨU HỖ TRỢ NGƯ DÂN ẢNH HƯỞNG DO GIÁ XĂNG, DẦU

Bên cạnh nỗ lực từ chính ngư dân, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân vượt khó, vươn khơi bám biển.

Ngày 6/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Với 100% ý kiến tán thành, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm hàng này đã giảm xuống mức sàn trong khung thuế, thực hiện đến hết ngày 31/12 năm nay. Đặc biệt, chỉ sau 5 ngày thông qua, Nghị quyết đã có hiệu lực thi hành, giá xăng dầu giảm ngay từ 0h ngày 11/7 mà không chờ đến kỳ điều chỉnh tiếp theo. Giá giảm sẽ giúp gánh nặng “xăng dầu” trên vai ngư dân nhẹ bớt.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng cao. Theo đó, đề nghị hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu theo vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90 ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trước kiến nghị này, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, hình thức được đề xuất là hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm nay đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng để khuyến khích ngư dân khôi phục hoạt động vươn khơi, bám biển, thực hiện đến hết năm 2022. Đồng thời, nghiên cứu ban hành chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội để giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chính sách phù hợp cho các đối tượng sản xuất kinh doanh.

Ý KIẾN VỀ HỖ TRỢ GIÁ XĂNG DẦU CHO NGƯ DÂN

Có thể thấy rõ sự đồng hành sát sao của Quốc hội, Chính phủ trong nỗ lực giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Bên cạnh đề xuất Trung ương sớm có chủ trương hỗ trợ giá xăng dầu cho tàu đánh bắt xa bờ, cũng có những ý kiến chưa đồng tình với cách hỗ trợ trong đề xuất này. Để có cái nhìn khách quan, mời quý vị tiếp tục theo dõi qua chia sẻ từ PGS, TS khoa học Nguyễn Chu Hồi.

SỚM HỖ TRỢ NGƯ DÂN VƯƠN KHƠI

Dù còn ý kiến khác nhau về cách thức hỗ trợ theo đề xuất, tuy nhiên thông tin này cũng nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của ngư dân cả nước. Mời quý vị theo dõi ghi nhận thực hiện tại Bình Thuận - một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước.

Giá xăng dầu vừa giảm, ngư dân Trương Minh Trường tại huyện đảo Phú Quý đã sẵn sàng lên phương án đưa 3 chiếc thuyền ra khơi đánh cá trở lại. Dù giá xăng dầu giảm nhưng theo anh Trường vẫn ở mức cao, để ngư dân yên tâm bám biển nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sớm và cụ thể .

Ngư dân TRƯƠNG MINH TRƯỜNG, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận:“Đi làm ăn vươn khơi bám biển, đi bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tôi còn đi làm câu và lặn, cũng muốn giảm giá xăng dầu để bà con có đồng ăn đồng ra chứ đi giờ không đủ chi thì bà con đem tàu đi cột hết.”

Theo dõi thông tin về việc Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ cho ngư dân khiến anh Trần Ngọc Tuấn rất vui mừng. Rất nhiều ngư dân đang mong chờ hỗ trợ để có thể tiếp tục ra khơi.

Ngư dân TRẦN NGỌC TUẤN, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: “Cũng mong Nhà nước sớm có hỗ trợ người dân để hoạt động biển lại như lúc ban đầu, để người dân sống cuộc sống yên lành.”

Hiện tỉnh Bình Thuận có hơn 7.500 tàu cá, rất nhiều tàu cá nằm bờ thời gian dài cho nhiều nguyên nhân. Nỗ lực vươn khơi lúc này có lẽ không chỉ nằm ở chính ngư dân mà còn ở sự đồng hành, trợ lực từ chính sách.

HỖ TRỢ CẦN TÍNH TOÁN LÂU DÀI, CĂN CƠ

Có thể thấy những khát khao, mong mỏi của ngư dân để tiếp tục được vươn khơi bám biển. Thực tế, chi phí nhiên liệu cũng chỉ như “giọt nước tràn ly”, khó khăn của ngư dân còn rất nhiều. Vậy làm thế nào để những con tàu vươn khơi bền vững, đem về những tôm cá đầy khoang, chắc chắn cần những chính sách dài hơi.

Mời quý vị theo dõi tiếp cuộc trao đổi!

Một con tàu ra khơi là để ít nhất 5 - 7 ngư dân có thu nhập cùng nhiều gia đình được đảm bảo về kinh tế. Vậy nên, khi tàu cá nằm bờ cũng là bằng đó ngư dân và gia đình bị ảnh hưởng, chưa kể ngành chế biến, hoạt động xuất nhập khẩu… Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nỗ lực và khát vọng vươn khơi chưa bao giờ tắt trong mỗi ngư dân. Để những chuyến biển tiếp tục là sự kỳ vọng, là niềm tin của rất nhiều hộ gia đình thì nỗ lực của ngư dân là không đủ mà còn của cả cơ quan quản lý nhà nước, bởi vươn khơi không chỉ đơn thuần là đem lại thu nhập mà mỗi con tàu còn mang dấu ấn khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

TRỒNG CÂY LẤY NGẮN NUÔI DÀI THU NHẬP BẠC TỶ MỖI NĂM

Trong phần cuối chương trình hôm nay, chúng tôi giới thiệu tới quý vị một nông dân với những ý tưởng, cách làm táo bạo cho thu nhập lớn mỗi năm. Đó là bà Võ Thị Hằng, 47 tuổi, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - đại diện duy nhất của Hậu Giang được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".

Những năm qua, với 6,5ha trồng sầu riêng, bơ làm cây chủ lực, bà Hằng còn tìm tòi, trồng xen các cây ngắn ngày, nuôi cá và ốc dưới mương. Việc đa canh giúp nữ nông dân này thu tiền tỉ mỗi năm.

Gắn bó với cây lúa hơn 20 năm nhưng chỉ đủ ăn, bà Hằng không thể lo nổi cho con cái việc học hành. Năm 2015, sau khi tham quan mô hình trồng tiêu ở Kiên Giang, bà quyết định chuyển đổi toàn bộ số đất lúa của gia đình, lên liếp làm vườn trồng tiêu ôm tràm.

Bà VÕ THỊ HẰNG, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang: “Diện tích đất của mình lớn quá, nếu trồng cây lâu năm phải trồng thưa mà trong thời gian này mình không có tiền mua phân thuốc, nên mình trồng thêm cây ngắn ngày, bán nó để có tiền nuôi cây chủ lực sau này.”

Ban đầu, bà Hằng chỉ trồng ba cây chủ lực là sầu riêng, bơ và mãng cầu xiêm. Mỗi loại cây ăn trái từ 300 đến 400 gốc, trồng theo khoảng cách cây cách cây 7 - 8m. Trong khi chờ đợi cây lớn, bà Hằng mua thêm các giống cây nhanh cho thu hoạch như mít thái, hạnh, ổi và trồng thêm mai vàng để tận dụng diện tích đất vườn, thu hoa lợi.

Chia sẻ bí quyết trồng được nhiều cây trên cùng diện tích, bà chú trọng đến khâu cải tạo đất nền, ngoài xử lý vôi còn phải bón lót phân rơm phân chuồng để đất được tơi xốp, tuyệt đối không lót phân vô cơ vì sẽ nhanh làm đất chai sạn.

Bà VÕ THỊ HẰNG, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang: “Sầu riêng không cho rễ mít bò qua nên mình đào đường rãnh đó để không cho rễ mít bò qua sầu riêng, cây nào rào cây đó hết, không để nó bò qua là hư hết.”

Ngoài làm giàu cho gia đình , thời gian qua, bà Hằng còn giúp 15 hộ ở địa phương thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động có thu nhập ổn định.

Ông CHÂU MINH TIẾN, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hậu Giang: “Cách làm của chị Hằng rất dễ nhân ra, bởi nó không đòi hỏi vốn liếng nhiều, cái quan trọng là biết năng động trong cách thức cây trồng vật nuôi sao cho hiệu quả”.

Với sự cố gắng không ngừng, những năm qua, bà Hằng được tỉnh Hậu Giang tặng nhiều bằng khen biểu dương hoạt động sản xuất. Đặc biệt, năm 2021 bà vinh dự làm đại diện nông dân toàn tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".

Thực hiện : Hà Lan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nong-nghiep-viet-nam-kho-khan-chong-kho-khan-ngu-dan-van-no-luc-vuon-khoi