Nông sản dồi dào, nỗi lo tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán khi cung đang vượt cầu

Hiện nay, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại nhiều địa phương không chỉ đủ mà một số lĩnh vực cung đang vượt cầu. Nhiều doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì sản lượng tồn đọng lớn. Trong bối cảnh hàng nghìn xe hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu, thị trường nội địa dịp Tết Nguyên đán chính là cơ hội để các doanh nghiệp, địa phương tận dụng tiêu thụ lượng nông sản hiện có.

Nhiều sản phẩm OCOP sẵn sàng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thế Độ

Nguồn cung dồi dào

Ông Ngô Trọng Phượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trường Xuân, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hai sản phẩm chủ lực của HTX là nhãn Hương Chi (sản lượng khoảng 9.000 tấn/năm) và vải U Hồng (khoảng 1.700 tấn/năm). Hiện nay, đến Tết, có khoảng 250 tấn quả tươi. Ngoài ra, HTX Trường Xuân còn sản phẩm thịt lợn rừng lai, với khoảng 3.000 lợn thương phẩm hàng năm. Sản lượng cung ứng dịp Tết còn khoảng 350 con (khoảng 7 tấn thịt). Ông Phượng rất mong muốn được kết nối, tiêu thụ các sản phẩm của HTX trong dịp cuối năm.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Dự kiến, tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12-2021, 1-2022 và 2-2022 lần lượt là khoảng 19.000 tấn, 22.000 tấn và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng khoảng hơn 3.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh này còn có những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy.

Tương tự như Đồng Tháp, tỉnh Tây Ninh cũng đang tìm đầu ra cho một số sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh thông tin, tỉnh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với nhóm sản phẩm chế biến có thể cung ứng quanh năm, Tây Ninh có sản phẩm thịt bò (được chế biến thành thịt mát, thịt đùi bít tết, thịt ba chỉ mát...), bánh tráng, rượu mãng cầu, nước ép mãng cầu, muối tôm, các loại thực phẩm chay. Tất cả đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời, được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3-4 sao.

“Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cũng mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP để quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần” - ông Nguyễn Văn Mấy bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Vĩnh Long cần kết nối thị trường, tiêu thụ các sản phẩm nổi trội của địa phương bao gồm: 400 tấn bưởi năm roi và bưởi da xanh, 8.000 tấn dưa hấu, 20 tấn dưa lưới, hơn 3.000 tấn các loại rau củ quả, 2.000 tấn hành lá, 100 tấn cá diêu hồng.

Tận dụng thị trường nội địa dịp cuối năm

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15-20%, tùy từng sản phẩm. Theo ông Duy, thị trường trong nước có dư địa rất lớn trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, địa phương cần tận dụng cơ hội này để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm với giá thành tốt nhất...

Dịp Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Vĩnh Long còn hàng ngàn tấn trái cây các loại cần tiêu thụ. Ảnh: Thu Hương

Có chung nhận định với ông Duy, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, người đứng đầu chuỗi siêu thị BRG Mart đã có mặt tại 7 tỉnh, thành cho biết, cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước. Ông Dũng nhấn mạnh, hiệp hội cam kết cùng các nhà cung cấp, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT triển khai chuyên đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền vào siêu thị. Hiện, Công ty bán lẻ BRG đang điều hành 79 siêu thị BRG Mart và cửa hàng HaproFood tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết nối tiêu thụ nông sản của các địa phương, ông Phan Thành Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI) cho biết, công ty hiện có hệ thống phân phối sản phẩm lớn như hệ thống Vinmart, Vinmart+, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị... Với năng lực và nhu cầu hiện tại, công ty rất cần sự kết nối, hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất... để nhận được nguồn cung đang thiếu, như sản phẩm tàu ki váng đậu (Đồng Nai), bánh đa Thổ Hà (Bắc Giang), nhân lạc đỏ (Nghệ An), mộc nhĩ, nấm hương... Ngoài ra, đại diện DONAVI nhấn mạnh, công ty cũng đang có nhu cầu tìm nguồn cung cấp nguyên liệu gia vị và thảo mộc tự nhiên như quế, hồi, thảo quả, hạt mắc mật, hạt điều đỏ.

Còn bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Sinh thái Ecovi cho biết, hiện, đơn vị chủ yếu phân phối các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, với hơn 200 điểm bán trên toàn quốc. Công ty có nhu cầu kết nối với các đơn vị canh tác theo hướng sinh thái, hữu cơ hoặc các đơn vị đang mong muốn chuyển đổi sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung cho sản phẩm trái cây tươi. Sang năm 2022, công ty sẽ tập trung sang các sản phẩm chế biến nông sản khô” - bà Na thông tin thêm.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nong-san-doi-dao-noi-lo-tieu-thu-dip-tet-nguyen-dan-khi-cung-dang-vuot-cau-post446964.html