Nông sản đuối ngay 'sân nhà'

Chưa nói đến xuất khẩu, ngay tại thị trường trong nước, nông sản Việt đang đuối sức khi cạnh tranh trực diện với hàng ngoại nhập cùng loại.

Theo ghi nhận của PV, tại các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị Aone, Emart, Lotte Mart, Vinmart, Big C… đều có bán các sản phẩm nông nghiệp ngoại nhập, tỷ trọng tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi loại siêu thị. Điều đặc biệt, có không ít loại trái cây nhập khẩu, nhưng lại được trồng rất nhiều tại Việt Nam như ổi, lựu, lê, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, nho, xoài...

Với EVFTA, các sản phẩm nông nghiệp sẽ đòi hỏi cao hơn về chi phí đầu tư cho công nghệ và trình độ. Ảnh: HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Quảng Ninh

Với EVFTA, các sản phẩm nông nghiệp sẽ đòi hỏi cao hơn về chi phí đầu tư cho công nghệ và trình độ. Ảnh: HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, Quảng Ninh

Các chuyên gia cho rằng, các loại trái cây ngoại mặc dù giá cao hơn nhiều so với trái cây trong nước cùng loại, nhưng người tiêu dùng (NTD) vẫn tiêu thụ mạnh do các doanh nghiệp nước ngoài làm thương hiệu rất tốt, từng loại trái cây được đóng từng bao gói riêng và có đầy đủ thông tin trên nhãn mác. Ngoài ra, NTD chọn nông sản ngoại một phần cũng do sản phẩm trong nước bị mất tin đối với NTD.

Chẳng hạn như nho xanh không hạt, theo các tiểu thương, chính xác là hàng Trung Quốc, bán đầy các chợ, xe đẩy bán rong trên đường phố, nhưng gắn mác là nho Ninh Thuận. Trong khi đó, nho Ninh Thuận thì không có loại nào là không có hạt.

Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed Trần Mạnh Báo cũng xót xa: “Việt Nam là quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp ở mức thấp nếu so sánh với các nước trong CPTPP và EU”. Trong khi đó, tại các quốc gia khối EU và CPTPPP, sản xuất nông nghiệp đã theo hướng hàng hóa theo quy mô trang trại lớn, trình độ canh tác ở mức cao, chất lượng sản phẩm đồng đều và đặc biệt có khả năng cung cấp nguồn hàng lớn. Nhiều nước như Australia, Nhật Bản, Úc hay New Zealand… trình độ sản xuất đã ở mức cao và bài bản.

Như vậy, tham gia vào CPTPP và EVFTA, Việt Nam bước chân vào cuộc chơi mà cục diện “chưa bằng” nước bạn. Nếu không thể nỗ lực thay đổi cục diện này thì doanh nghiệp, nông dân Việt sẽ đánh mất cơ hội hội nhập, thậm chí mất luôn thị trường sân nhà, đặc biệt, vấn đề sinh kế của 8,6 triệu nông hộ là lo lắng lớn.

Duy Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nong-san-duoi-ngay-san-nha-153709.html