Nông sản Việt: Để chắc chân ở thị trường Trung Quốc

Nâng cao tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu (NK); đóng cửa nhiều cửa khẩu tiểu ngạch… đó là các giải pháp Trung Quốc đang triển khai để 'siết chặt' NK nông sản vào quốc gia này. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.

Từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót dưa hấu xuất khẩu (XK) sang thị trường này. Ông có thể thông tin rõ hơn về những thay đổi đó?

Theo thông báo của Hải quan Quảng Tây, từ tháng 5 tới, dưa hấu XK sang Trung Quốc phải thay đổi vật liệu đệm lót. Trước đây, chúng ta hay sử dụng đệm lót bằng rơm, nhưng nay phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót để không có khả năng mang theo các dịch bệnh gây hại và họ khuyến cáo sử dụng xốp lưới bằng nilon để có thể phòng tránh các loại dịch bệnh đối với các trái cây khác.

Không chỉ với dưa hấu, họ còn yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót đối với mít và chuối. Cụ thể, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng catton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây NK sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này lên trên các sản phẩm hoặc bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… thuộc danh sách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

Trung Quốc đang ngày càng siết chặt NK nông sản nhưng trên trang thông tin của các bộ, ngành liên quan ở nước ta, dường như vẫn ít thông tin cụ thể, chi tiết, chính thống về thị trường Trung Quốc. Ông bình luận gì về điều này?

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi rất tích cực thực hiện thông tin tuyên truyền về các quy định, chính sách, diễn biến của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp (DN), người dân có nhu cầu có thể truy cập vào trang thông tin của Bộ Công Thương hay cổng thông tin XK của Bộ, trên đó, chúng tôi luôn chủ động thông tin về các thị trường. Như gần đây, chúng tôi đã thông tin về những quy định liên quan đến NK trái cây, trong đó có dưa hấu.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các tỉnh, hiệp hội, ngành hàng thông tin đến các cơ quan chức năng địa phương để thông báo cho người dân.

Năm 2017, Bộ đã xuất bản một loạt ấn phẩm sổ tay giới thiệu các quy định của thị trường Trung Quốc đối với các sản phẩm trái cây NK. Ngoài ra, tổ chức hội thảo tuyên truyền quy định của thị trường tại những địa phương có các vùng trồng, XK sản phẩm sang Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực để cung cấp thông tin chính thống, đã được kiểm chứng; đồng thời, cố gắng thay đổi hình thức tuyên truyền để người dân, DN hiểu rõ về thông tin các thị trường nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Trước những khó khăn và hàng rào mà thị trường Trung Quốc đặt ra, ông có khuyến nghị gì đối với DN XK?

Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong đó có 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, có thu nhập cao và yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa nông sản rất cao. Do đó, cần phải thay đổi khái niệm cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính.

Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và thế giới. DN Việt Nam cần chủ động phối hợp với các nhà NK Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng. Trong trường hợp nhà xưởng, vùng trồng, bao bì đóng gói của DN chưa nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên web của họ cũng như chưa thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thì cần khẩn trương đăng ký.

Bên cạnh đó, DN cần nâng cao nhận thức, xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm và ứng xử như cách chúng ta ứng xử với thị trường EU, Bắc Mỹ… Tìm hiểu thật kỹ, thường xuyên cập nhật thị trường, các khu vực thị trường, vì Trung Quốc rất rộng lớn, các vùng có nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, tổ chức các thị trường nông sản, trọng tâm trọng điểm theo quy mô lớn, công nghiệp, chất lượng đồng đều. Thay đổi thói quen giao dịch, XK tiểu ngạch sang thương mại chính quy, phù hợp thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, nắm bắt xu hướng, trào lưu sử dụng thương mại điện tử trong tiêu dùng của người Trung Quốc. Đây đã và sẽ là trào lưu chính của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Lan - Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-san-viet-de-chac-chan-o-thi-truong-trung-quoc-118885.html