Nông sản Việt nỗ lực mở rộng thị trường

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp thì từ đầu năm đến nay, nông sản Việt Nam nhiều phen điêu đứng vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc (64% tổng giá trị xuất khẩu). Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất mặt hàng rau củ quả của Việt Nam đang nỗ lực tìm cách mở rộng thị trường.

Nhiều loại trái cây của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu lớn. Ảnh: V.Thế

Nhiều loại trái cây của Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu lớn. Ảnh: V.Thế

Bên cạnh đó, để nâng tầm đẳng cấp hàng Việt trong mắt người Việt, các DN đang có xu hướng trở lại thị trường nội địa 100 triệu dân để chuẩn bị cho bước phát triển dài hơi.

* Tìm hướng xuất khẩu mới

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,7% so với năm 2018. Sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu trong năm qua là do giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm sâu tới gần 13%. Nước này đã đưa ra nhiều rào cản mới về chất lượng cũng như bắt buộc DN Việt phải xuất khẩu qua đường chính ngạch, thay vì tiểu ngạch như trước đây. Thêm vào đó, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc lại tiếp tục gặp những khó khăn mới do dịch bệnh Covid-19.

Với góc nhìn tương tự, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, bình quân mỗi tháng rau quả Việt xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD. Nay thị trường này sụt giảm nên phải tìm kiếm đối tác với những thị trường mới, dù hiệu quả chưa đến ngay tức thì.

Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu rau quả sang Mỹ, Thái Lan, châu Phi... đã có những tín hiệu tích cực. Trong đó, ở thị trường Mỹ, lần đầu tiên trái xoài của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Còn ở châu Phi, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng, yêu cầu về các tiêu chuẩn hàng hóa khá dễ tính so với các khu vực khác. Với Thái Lan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 74,94 triệu USD, tăng mạnh tới 66,3% so với năm 2018. Hay tại Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới cho ngành rau quả thâm nhập thị trường rộng lớn này.

Ông Nguyên cũng khuyến cáo các DN cần có phương án tiếp cận những thị trường này qua việc khảo sát, tìm hiểu thị trường hoặc tham gia các hội nghị, triển lãm chuyên ngành để tiếp cận khách hàng.

Một trong những sự kiện để xúc tiến thương mại cho sản phẩm rau quả là từ ngày 26 đến 28-2 tại TP.HCM, triển lãm chuyên ngành rau, hoa, quả lớn nhất Việt Nam (HortEx Vietnam 2020) được tổ chức. Triển lãm này thu hút khoảng 150 DN đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển đang dẫn đầu về số lượng DN tham gia trưng bày như: Hà Lan, Israel, Tây Ban Nha...

Lợi ích lớn nhất cho các DN sản xuất nông sản trong nước là cuộc gặp gỡ các đoàn thu mua quốc tế tại triển lãm. Các nhà thu mua có cơ hội gặp trực tiếp, thiết lập quan hệ kinh doanh với các đơn vị cung cấp rau, hoa, quả đến từ Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, đây là một trong những cầu nối giúp DN, hợp tác xã và người nông dân tiếp cận công nghệ, nguồn giống sản xuất mới; đồng thời tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

* Nên chú trọng thị trường nội địa

Cùng với xuất khẩu, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân cũng được xem là giải pháp hiệu quả. Muốn xuất khẩu tốt, trước hết các DN Việt Nam phải chiếm lĩnh được thị trường nội địa, phải cho đối tác, khách hàng nước ngoài thực sự biết đến chất lượng của nông sản Việt ngay từ trong nước mới có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Khi mức sống của người dân tăng và có yêu cầu cao hơn về chất lượng của sản phẩm, bắt buộc DN phải nắm bắt để đáp ứng được thị hiếu khách hàng.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (HortEx Vietnam 2020)

Theo GS-TS.Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cần phải tính toán kỹ tới nhu cầu thực sự ở thị trường trong nước. Hiện nay, ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội..., người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ có xu hướng tiêu thụ các sản phẩm ngoại vì cho rằng chúng có chất lượng tốt.

“Muốn tiếp cận tốt thị trường nội địa, tôi cho rằng DN phải có chiến lược cụ thể trong quảng bá để người dân thấy sản phẩm Việt Nam an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính. Bên cạnh đó, cần xúc tiến thương mại ngay tại nội địa, ngoài ra cần giảm chi phí trung gian ở mức thấp nhất nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận” - ông Sơn cho biết.

Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan cũng cho rằng, không chỉ ở Thái Lan, mà một số nước khác tiềm năng cho xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam còn nhiều. Tuy nhiên, như một “luật bất thành văn”, chắc chắn các nước sở tại sẽ áp dụng những rào cản thương mại để bảo hộ sản phẩm trong nước. Đơn cử như ở Thái Lan, mới chỉ có 4 mặt hàng trái cây của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu theo đường chính ngạch. Do đó, trước khi muốn gây được tiếng vang ở nước ngoài thì nông sản, trái cây của Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường nội địa, lấy đó làm cơ sở để xuất khẩu đi các nước.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được đẩy lùi mà vẫn có xu hướng lan rộng ở nhiều quốc gia, ngành rau quả Việt chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu. Vì thế về lâu dài, bên cạnh giải pháp mở rộng thị trường mới ngoài Trung Quốc thì việc đầu tư nhiều hơn cho chế biến sâu sẽ giúp ngành đứng vững. Thực tế là sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có nhiều chủng loại rất xuất sắc, chất lượng thậm chí nhỉnh hơn, song khâu bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến lại là khâu yếu nhất mà DN chưa có nhiều cải thiện.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/nong-san-viet-no-luc-mo-rong-thi-truong-2990630/