Nông sản Việt ở 'cửa ngõ' EU: Tiềm năng hay khó khăn?

EU là thị trường nhập khẩu khẩu lớn, nông sản Việt tại đây có thực sự có tiềm năng lâu dài hay chỉ bán 'ăn may'?

 Kệ hàng hoa quả Việt ở siêu thị Hà Lan. Ảnh: NVCC.

Kệ hàng hoa quả Việt ở siêu thị Hà Lan. Ảnh: NVCC.

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác thương mại ổn định và quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai chỉ đứng sau Mỹ. Ở một góc nhìn khác, liệu tỷ trọng nhập khẩu hàng Việt Nam của EU có thực sự đủ lớn để chúng ta hài lòng và kỳ vọng? Không phải tự nhiên mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã phát biểu: “Đừng nghĩ xuất được một vài chuyến hàng nông sản là chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài”.

Chúng ta cần sâu sát hơn trong việc đánh giá thực tế tình trạng tiêu thụ của nông sản Việt tại đây cũng như phân tích người tiêu dùng để có cái nhìn chiến lược, thay vì chỉ bán mùa vụ ngắn hạn như hiện tại.

Nhìn từ kệ siêu thị

Trong chuyến đi thăm và làm việc của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại các nước châu Âu nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường tiềm năng này, ông có nhận thấy nông sản Việt bán sang thị trường này chưa được nhiều, thỉnh thoảng mới có vài thương vụ. Các sản phẩm nông sản được nhập vào đây, đa số được bày bán ở cửa hàng dành cho người gốc châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan.

Một Đại sứ ở EU đã cho biết rằng nông sản của Việt Nam mới chỉ đạt 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản ở thị trường này và hầu hết chỉ được bán ở cửa hàng gốc Á. Thậm chí, các mặt hàng nông sản nổi tiếng của Việt Nam như thanh long, vải thiều chỉ được bày bán chủ yếu tại các chợ châu Á, chứ không có mặt trong các siêu thị thông thường để tiếp cận với đại đa số người dân bản địa tại châu Âu.

Bên cạnh đó, trái cây tươi cũng như các chế phẩm cấp đông từ trái cây “Made in Vietnam” rất khó có thể tìm thấy tại EU. Các sản phẩm này rất được ưa chuộng, hầu hết khách du lịch châu Âu khi quay về nước đều tìm kiếm các loại trái cây hay thực phẩm mà họ từng được thưởng thức ở Việt Nam. Với nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Chính phủ trong những năm vừa qua, sản lượng nhập khẩu nông sản từ Việt Nam thông qua những doanh nghiệp tại đây có tăng về lượng tuy nhiên vẫn không chiếm được thị phần đáng kể. Đây chính là vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt ở Hà Lan. Ảnh: NVCC.

Để đạt các chứng chỉ, chỉ tiêu chất lượng theo yêu cầu khắt khe của châu Âu không phải dễ dàng, các nhà sản xuất tại Việt Nam phải đầu tư vào vùng trồng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đều mong muốn đưa được nhiều sản phẩm vào thị trường EU một cách đều đặn để phục vụ không chỉ 1% dân số người châu Á tại đây mà còn là số dân bản địa còn lại.

Ngoài ra, một số sản phẩm dù được nhập khẩu và gia công tại Việt Nam nhưng khi xuất hiện trên các kệ hàng tại EU lại mang tên của một thương hiệu nước ngoài. Chính điều này ảnh hưởng đến việc nhận diện thương hiệu của người dân châu Âu, ăn sâu vào tiềm thức của họ, khiến họ không có ấn tượng về các sản phẩm Việt Nam.

Ví dụ, khi nói đến gạo hầu hết mọi người đều nghĩ đến gạo Thái Lan; khi nói đến cà phê, người dân chỉ biết đến Ý, Tây Ban Nha, Anh. Trong khi đây lại là những thị trường nhập khẩu phần lớn cà phê, nguyên liệu từ Việt Nam. Có thể nói, nông sản trong nước rất cần một hướng đi đúng và lâu dài để chinh phục thị trường châu Âu.

Như đặt câu hỏi từ đầu bài "tiềm năng hay khó khăn”, câu trả lời là cả hai. “Tiềm năng” vì người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu có lượng nhu cầu rất lớn, số lượng rất đông và mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam có tính đa dạng và đặc trưng, dư địa phát triển thị trường này rất lớn nếu có chiến lược và hướng đi đúng đắn.

“Khó khăn” là vì hiện tại chúng ta chiếm thị phần rất nhỏ và hoàn toàn bị động trong việc chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhận gia công không thương hiệu khá nhiều, phân phối nhỏ lẻ và hạn chế, chỉ nhắm đến người tiêu dùng châu Á mà bỏ qua nhóm người tiêu dùng chính là dân bản địa. Vậy đâu là giải pháp?

Tất cả có thể gói gọn trong 6 từ khóa của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi nhắc đến hoạt động xuất nhập khẩu: Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa sản phẩm. Đây xứng đáng là tôn chỉ kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn vươn cao, tiến xa, gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC

Cần gì để phát triển?

Tinh giản chuỗi cung ứng là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhanh nhất. Một chuỗi cung ứng hiệu quả phải có ít mắt xích trung gian thừa. “Thừa” ở đây nghĩa là các mắt xích trung gian không tạo thêm "giá trị" cho sản phẩm mà chỉ làm tăng "giá thành" của sản phẩm, không mang lại lợi ích cho người mua cuối cùng. Thậm chí, một chuỗi cung ứng hoàn hảo chỉ cần tồn tại 2 mắt xích đó là nhà sản xuất và người mua, thông qua 1 điểm bán hàng chính thức của nhà sản xuất đó, như hãng ô tô điện Tesla là một ví dụ điển hình.

Mía Việt Nam bán trong siêu thị ở Hà Lan. Ảnh: NVCC.

Nông sản thuộc ngành hàng sản phẩm tiêu dùng nhanh, việc tinh gọn chuỗi cung ứng còn giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm tươi ngon nhất, nhận được giá trị cao nhất của sản phẩm mà họ mua. Tất cả đều vì lợi ích người tiêu dùng, bởi họ mới chính là nhân tố quan trọng quyết định sản phẩm của bạn có nằm trên các kệ trong siêu thị hay không.

Đúc kết lại, một doanh nghiệp muốn hoạt động hiệu quả nên nhanh chóng xác định các mắt xích dư thừa và cắt giảm, một chuỗi cung ứng gọn nhẹ sẽ giúp bảo toàn giá trị, tối ưu giá thành và rút ngắn thời gian vận chuyển sản phẩm.

“Liên kết” chính là đầu mối quan trọng nhất của hoạt động xuất nhập khẩu. Chúng ta cần sự liên kết giữa 2 thị trường. “Liên kết” ở đây không có nghĩa là hàng tá các lái buôn theo mùa vụ manh mún, nhỏ lẻ. “Liên kết” tức là tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng tại thì trường mục tiêu để thực hiện sản xuất đáp ứng được nhu cầu đó, sau đó phân phối sản phẩm thành công đến tận tay người có nhu cầu. Trong quá trình đó, vai trò của nhà sản xuất trong nước, nhà tư vấn có kiến thức xuất nhập khẩu giữa 2 thị trường và nhà nhập khẩu là không thể phủ nhận.

Cá nhân tôi rất thích cách nhìn của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi ông nói "Làm nông nghiệp với tư duy như mô hình Grab hay Uber" và tôi có cả sự tin tưởng lẫn hy vọng nông sản Việt Nam sẽ được biết đến một cách xứng tầm hơn không chỉ tại EU.

Hoạt động trong lĩnh vực đại diện thương mại và xuất nhập khẩu giữa Hà Lan và Việt Nam hơn 11 năm, Công ty VIEC cho rằng đa số doanh nghiệp rất dè chừng và chưa thực sự có kế hoạch rõ ràng, dài hạn để xây dựng thương hiệu tại thị trường EU. VIEC nhận ra một điều, 99% đều biết tiềm năng tại thị trường Hà Lan và châu Âu, nhưng lại chỉ muốn thực hiện những phi vụ thương mại ở tầm ngắn. Nghĩa là có người mua thì bán, sản xuất hay gia công dưới bất kỳ thương hiệu nào cũng đươc miễn là có đơn hàng. Những đơn hàng dạng đó sẽ không lâu dài, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không bền vững. Đã đến lúc các nhà sản xuất nông sản Việt cần thay đổi chiến lược, có tầm nhìn xa hơn.

Như Nguyễn (Hà Lan)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-san-viet-o-cua-ngo-eu-tiem-nang-hay-kho-khan-d311737.html