Nông sản Việt trong vòng xoáy chiến tranh thương mại: Nguy cơ gian lận xuất xứ

Những mức thuế rất cao mà Mỹ - Trung áp lên hàng hóa của nhau đang khiến cho Việt Nam trở thành nơi để hàng hóa từ 2 nước này, nhất là từ Trung Quốc, thâm nhập, đội lốt hàng Việt rồi xuất khẩu nhằm tránh mức thuế cao.

Đồ gỗ có nguy cơ cao bị hàng Trung Quốc “đội lốt” nhằm gian lận xuất xứ.

Do Việt Nam và Trung Quốc có nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ tương đồng với nhau, nên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi mà hàng Trung Quốc tuồn vào, dán mác hàng Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh mức thuế cao.

Vì vậy, ngay từ trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát, Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc phòng chống gian lận xuất xứ, nhất là với những mặt hàng mà Việt Nam và Trung Quốc đều xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, đáng chú ý nhất là đồ gỗ. Các cơ quan chức năng đã bước đầu phát hiện những dấu hiệu gian lận trong ngành hàng này.

Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019, có 90 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu gỗ ván ép (mã HS4412) từ Việt Nam sang Mỹ, đạt hơn 200 triệu USD. Số lượng xuất khẩu lớn tập trung từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019. Nổi lên trong đó một số doanh nghiệp có chủ sở hữu là người Trung Quốc hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số doanh nghiệp khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến.

Trên cơ sở số liệu rà soát và thông tin nắm được về các hành vi vi phạm của các công ty trong việc sản xuất mặt hàng gỗ dán xuất khẩu, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan đến các hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán veneer và các loại gỗ ghép của 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, xuất khẩu lớn, có dấu hiệu tăng đột biến.

Qua xác minh đối với 6 công ty và kết quả làm việc với các hộ dân, chính quyền một số địa phương cho thấy một số vấn đề nổi lên liên quan đến vi phạm trong việc doanh nghiệp lập hồ sơ xin cấp C/O. Cụ thể, hồ sơ xin cấp C/O của 4 trong 6 công ty nói trên là vi phạm pháp luật.

Theo đó, các công ty đã thừa nhận không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân ghi trong hợp đồng. Các công ty đã sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp C/O là giả, mục đích hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin Giấy chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam cho các lô hàng mà công ty sản xuất để bán cho công ty khác xuất khẩu hoặc trực tiếp xuất khẩu.

Sử dụng hóa đơn GTGT mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O mà tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá số lượng so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn GTGT đầu vào. Có một số doanh nghiệp nhập khẩu ván bóc, bán thành phẩm từ Trung Quốc về để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu, nhưng không khai báo trong hồ sơ xin cấp C/O.

Một số hồ sơ xin cấp C/O của một công ty cho các lô hàng xuất khẩu của công ty này (do các công ty sản xuất cung cấp), có sử dụng các giấy tờ không hợp pháp, một số giấy tờ có dấu hiệu làm giả. Đáng chú ý là trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, công ty này đã xuất khẩu hơn 27 ngàn m3 các mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ dán, trị giá gần 406 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục Điều tra chống buôn lậu, việc quy định về xuất xứ theo tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 6 số đối với một số trường hợp là tương đối lỏng lẻo. Cụ thể, đối với các mã hàng việc chuyển đổi mã số từ 4412.39 (nguyên liệu nhập khẩu) sang mã 4412.33/ 4412.34 chỉ cần qua công đoạn rất đơn giản. Đó là từ mã hàng 4412.39 (nhập khẩu) có thể ép chồng thêm ít nhất 01 lớp ván ép mã 4412.94 (nhập khẩu) hoặc sản phẩm có dán mặt bằng lớp ván bóc mã 4408.90/10 (nhập khẩu) hoặc dán lớp gỗ ván ép có nguồn gốc Việt Nam (không phải là gỗ thông hoặc cây lá kim) thì sản phẩm đầu ra sẽ được khai báo vào mã 4412.33/ 4412.34. Như vậy hàng hóa đã được xác định là xuất xứ Việt Nam vì đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã hàng hóa ở cấp 6 số (CTSH).

Điều đáng lo ngại là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền một số xã. Qua quá trình điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý trong xác nhận hồ sơ lâm sản.

Cụ thể, UBND một số xã không mở hồ sơ theo dõi khai thác lâm sản, không kiểm tra thực tế trước khi xác nhận hồ sơ lâm sản.

Có nhiều hồ sơ lâm sản, số lô, số thửa trên bảng kê lâm sản không có trên thực tế hoặc không đúng với số lô, số thửa mà hộ dân đang trồng và khai thác rừng, cá biệt còn có trường hợp lãnh đạo UBND xã ký, đóng dấu sẵn vào một số đơn đề nghị cấp phép khai thác, Bảng kê lâm sản khai thác, Bảng kê lâm sản rồi đưa cho hộ dân về tự điền thông tin vào các giấy tờ trên.

Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O của VCCI cũng tồn tại một số vấn đề.

Một số bảng kê lâm sản, bảng kê lâm sản khai thác không ghi ngày tháng, không có chữ ký của chủ rừng, chữ ký của chính quyền xã, không có chữ ký của người dân trong hợp đồng mua nguyên liệu nhưng vẫn được cấp chứng nhận C/O.

Trong nhiều Bảng kê khai hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí “CTC” có mâu thuẫn, trùng lắp về hóa đơn, số liệu nhưng vẫn được cấp C/O.

Hóa đơn nguyên liệu keo, bột mỳ, gỗ ván mặt được các công ty sử dụng nhiều lần trong các tờ khai xin C/O vượt quá số lượng keo, bột mỳ, ván mặt trong hóa đơn đầu vào để sản xuất gỗ dán xuất khẩu, không được kiểm tra phát hiện.

Đến nay Cục Điều tra chống buôn lậu vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ thêm tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật về C/O không trung thực, về dấu hiệu làm giả hồ sơ, giấy tờ, về dấu hiệu chiếm đoạt thuế VAT ( nếu có).

Cảnh báo từ phía Mỹ

Tháng 5/2019, Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát. Đây là một thông tin rất đáng lo ngại bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2018.

Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), để đưa một quốc gia nào đó vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát, Mỹ dựa vào những tiêu chí sau: Những đối tác thương mại chính; thặng dư thương mại đáng kể đối với Mỹ; thặng dư tài khoản vãng lai lớn; can thiệp liên tục, một chiều vào thị trường ngoại hối.

Theo đó, dựa trên chuẩn so sánh là tổng thương mại hàng hóa song phương (xuất khẩu + nhập khẩu), đối tác thương mại chính là những đối tác có kim ngạch thương mại song phương từ 40 tỷ USD trở lên, Việt Nam đã được coi là một trong những đối tác thương mại chính của Mỹ bởi kim ngạch song phương giữa 2 nước là trên 60 tỷ USD.

Về thặng dư thương mại đáng kể đối với Mỹ (ngưỡng là 20 tỷ USD), thì Việt Nam đang có thặng dư tới 40 tỷ USD. Về thặng dư tài khoản vãng lai lớn, với chuẩn so sánh là cán cân tài khoản vãng lai (ngưỡng là 2% GDP), Việt Nam đang có ngưỡng tới trên 5% GDP.

Về can thiệp liên tục, một chiều vào thị trường ngoại hối, ở chuẩn so sánh mức mua ngoại hối ròng, ngưỡng là 2% GDP, còn Việt Nam mới ở mức 1,7% GDP. Còn ở chuẩn so sánh thời gian mua ngoại hối ròng liên tục, với ngưỡng từ 6 - 12 tháng, thì Việt Nam đã mua liên tục 12 tháng. Do đó, Việt Nam chưa thao túng tiền tệ.

Dù vậy, với những thông tin trên của TS Vũ Thành Tự Anh, chúng ta đã rõ vì sao Việt Nam được Mỹ đưa vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát. Do đó, Việt Nam càng phải làm thật tốt công tác phòng chống gian lận xuất xứ, nhất là với hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất sang Mỹ.

THANH SƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nong-san-viet-trong-vong-xoay-chien-tranh-thuong-mai-nguy-co-gian-lan-xuat-xu-post247636.html