Nông sản với bài toán "giành" và "giữ" thị trường

Nông sản xuất khẩu Việt Nam vừa liên tiếp nhận tin vui: Sau khi Nga quyết định mở cửa trở lại cho bảy doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đến lượt Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định từ ngày 6-10, Việt Nam sẽ được xuất khẩu thêm nhãn, vải và có thể sẽ tiếp tục là vú sữa, xoài... Cánh cửa của thị trường khó tính bậc nhất này đã mở cho nhiều nông sản, nhưng không có nghĩa là lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam đã dễ thở hơn, bởi trong cùng thời gian đó một loạt mặt hàng xuất khẩu chiến lược của chúng ta lại bị thu hẹp thị trường...

Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) Trịnh Văn Thinh phấn khởi vì nhãn lồng Hưng Yên có cơ hội đi Mỹ. Ảnh: QUANG TÙNG

Ba "đại gia" đang mất thị trường

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng đầu năm 2014 đạt 22,66 tỷ USD, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2013; trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,95 tỷ USD, tăng 9,8%. Tuy nhiên, đáng lưu ý: Bên cạnh những mặt hàng tăng cả về trị giá xuất khẩu và mở rộng được thị trường cũng có một loạt mặt hàng đang tụt giảm và đứng trước nguy cơ bị thu hẹp thị trường. Một là

cao-su, chín tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao-su đạt 705 nghìn tấn với giá trị đạt 1,25 tỷ USD, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 21,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Hai thị trường chủ yếu là Trung Quốc và Ma-lai-xi-a có xu hướng giảm mạnh. Hai là chè, khối lượng xuất khẩu chè chín tháng đầu năm ước đạt 95 nghìn tấn với giá trị 160 triệu USD, giảm 7% về khối lượng và 2% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Nhiều thị trường bị giảm, tiêu biểu là In-đô-nê-xi-a giảm tới 56,84% về khối lượng và 56,05% về giá trị so với cùng kỳ. Thứ ba là sắn và các sản phẩm từ sắn, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này chín tháng đầu năm đạt 2,46 triệu tấn với giá trị 806 triệu USD, giảm 0,3% về khối lượng và 2% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh, Ma-lai-xi-a tăng 11% về khối lượng nhưng giảm 0,39% về giá trị so cùng kỳ. Điều đáng lo ngại là tình trạng tồn kho. Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, tính đến cuối tháng 6-2014, tổng lượng sắn lát tồn kho của Việt Nam khoảng hơn 300 nghìn tấn, tinh bột sắn là 150 nghìn tấn. Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420 USD/tấn và buộc phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, còn các doanh nghiệp thương mại thì gần như phải dừng hoạt động kinh doanh hoàn toàn đối với mặt hàng này.

Đương nhiên, trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, việc tăng giảm hay trồi sụt giá trị xuất khẩu, việc mở rộng hay co rút thị trường không có gì lạ. Bởi như đã biết, thị trường cũng như thời tiết có ngày nắng đẹp nhưng cũng có ngày mưa gió. Tuy vậy, sự sụt giảm của những mặt hàng nông sản có giá trị "tỷ đô" cũng là vấn đề không thể bỏ qua.

Bài toán "giành và giữ thị trường"

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc thị trường xuất khẩu nông sản bị thu hẹp lại do thị trường lớn Trung Quốc đóng cửa. Đó là một ý kiến không sai, khi thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu gạo, cao-su; hay một mặt hàng nông sản khác cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường này là sắn. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 84,58% thị phần. Và đương nhiên, khi "thời tiết" thị trường này thay đổi sẽ kéo theo tình trạng "hắt hơi, sổ mũi" của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam. Những thị trường "khó tính" khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga mặc dù có nhu cầu nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao và nghiêm ngặt trong chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi sản phẩm sắn của Việt Nam chưa đáp ứng được.

Tuy vậy, nhìn rộng ra và phân tích sâu hơn thì nhiều trường hợp nông sản bị co rút thị trường, thậm chí mất thị trường lại không đơn giản như sắn mà do yếu tố "nội lực" của một số ngành hàng không ổn, mà chè là một thí dụ như vậy. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chè Việt Nam, ngành chè đang dấy lên một báo động mới: Giá trị sản phẩm chè mất ổn định về số lượng và chất lượng, mất dần thị trường xuất khẩu và có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả thời kỳ mất thị trường Đông Âu và Liên Xô (cũ). Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là có rất ít doanh nghiệp đầu tư cho nông dân trồng chè về giống, kỹ thuật canh tác, thu hái, bảo quản chè búp tươi và kiểm soát hệ thống bảo vệ thực vật như trước đây, dẫn tới nguyên liệu quá xấu và không thể kiểm soát được số lượng, chất lượng để chủ động cung ứng cho khách hàng, nhất là không kiểm soát được dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm. Nhiều lô hàng xuất khẩu đã bị trả lại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín cho cả ngành chè Việt Nam. Hệ lụy nhãn tiền là sản phẩm chè Việt Nam không những không thể xâm nhập vào các thị trường có tiềm năng như Tây Âu, Nhật Bản mà còn có nguy cơ mất các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Nga và các nước Bắc Âu...

Từ ngày 6-10, quả vải có thêm thị trường xuất khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường khó tính này còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Ảnh: LÊ BỀN

Trong bối cảnh như vậy, một trong những giải pháp được giới chuyên gia kinh tế nhấn mạnh là: Muốn mở rộng thị trường, chúng ta phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ bổ sung cho nhau. Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân đều phải tuân theo quy luật kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Trước hết, trên bình diện ngoại giao, Chính phủ cần tạo cầu nối với các nước có thị trường phù hợp, tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân trồng các loại nông sản theo quy trình quốc tế (GAP là một thí dụ). Đến đây, lại quay trở về với câu chuyện thời sự: Cánh cửa của thị trường khó tính bậc nhất này đã mở cho trái cây Việt Nam, khi từ ngày 6-10-2014, quả vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng làm thế nào để có thể khai thác tốt cơ hội tốt này? Đầu tiên là ngành sản xuất nông sản xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói tưởng đơn giản, nhưng khi thực hiện là cực kỳ khó khăn nếu như biết rằng: Từ năm 2011, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất nhập khẩu vải và nhãn tươi từ Việt Nam nhưng do chưa đáp ứng được một số yêu cầu về kỹ thuật nên tiến độ triển khai chậm lại. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về triển vọng xuất khẩu trái cây vào thị trường này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh: "Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng những quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sẽ bị áp dụng các lệnh trừng phạt, khi đó chúng ta sẽ đánh mất thị trường và cơ hội trở lại là rất khó".

Sau khi đã vượt qua được những rào cản kỹ thuật này, khi vào được thị trường quốc tế rồi, để bán được hàng nông sản phải làm tốt công tác tiếp thị, phải xây dựng được thương hiệu cho cả ngành, cho từng sản phẩm, rồi phải có "độ trễ thời gian" để thuyết phục thị trường, thuyết phục người tiêu dùng các nước sở tại chấp nhận. Đến công đoạn này thì vai trò quảng bá sản phẩm lại phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ doanh nghiệp sản xuất, phân phối nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Rõ ràng việc giành được thị trường xuất khẩu nông sản đã khó, nhưng giữ được thị trường còn khó hơn nhiều...

TÂM THỜI

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/24493102-nong-san-voi-bai-toan-gianh-va-giu-thi-truong.html