'Nông thôn mới không phải là thành tích báo cáo...'

'NTM không phải là thành tích báo cáo, mà là cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Sự đổi thay phải đến từ cốt lõi của vấn đề chứ không chỉ nằm ở đường đẹp, nhà to…'.

Đó là nhận định của ông Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới về những thành tựu của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong giai đoạn vừa qua. "Hiện có rất nhiều địa phương về đích trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Có 19 tiêu chí sẽ đạt NTM, điều này đúng nhưng chưa đủ. Bản chất của NTM gói gọn trong 2 vấn đề” - ông Thủy nhấn mạnh.

NTM không phải là thành tích báo cáo

“Chúng ta đã từng có rất nhiều bài học vì chạy theo thành tích, dẫn đến phát sinh nợ xây dựng cơ bản trái quy định, huy động quá sức dân… Bản chất của xây dựng NTM là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Vì vậy, phải tổ chức lại sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường, đó mới chính là NTM bền vững” – ông Thủy phân tích.

Nhờ đầu tư chăn nuôi bò thịt, gia đình anh Trần Ngọc Hoàn (khu 3, xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã có thu nhập khá, đời sống ổn định. Ảnh: T.L

Theo Văn phòng điều phối NTM T.Ư, đến hết quý I.2018, cả nước có 3.289 xã được công nhận đạt chuẩn, tăng 220 xã so với cuối năm 2017 và tăng 929 xã so với cuối năm 2016. Bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017, tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016. Còn 121 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 136 xã so với cuối năm 2016.

Do đó, theo ông Thủy, điều đầu tiên quan trọng nhất là tập trung cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Về cơ cấu lại ngành, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương cần tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản làng, xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả…

“Một trong những việc quan trọng của tái cơ cấu là phải hoàn thiện được chuỗi sản xuất khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, công tác thị trường. Trong chuỗi này xác định doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng, đó là hạt nhân liên kết thị trường với các hợp tác xã và với nông dân” – ông Thủy phân tích.

Thử thách nhất là tiêu chí 17

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí thứ 17 luôn là thử thách với bất cứ địa phương nào. Hiện mới chỉ có 42% số xã xây dựng NTM đạt tiêu chí môi trường, thậm chí, ngay cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn nhiều chỉ tiêu về môi trường chưa hoàn thành. Và đây cũng cũng chính là nội dung trọng tâm thứ hai mà ông Thủy đưa ra cảnh báo.

“Nhiều người quan niệm môi trường ở nông thôn sẽ trong lành và sạch hơn các thành phố, đô thị lớn, nhưng điều đó chỉ còn hoài niệm. Bây giờ các vùng quê ô nhiễm rất nhiều, rất kinh khủng, rất đáng báo động” – ông Thủy thông tin.

Theo đó, ông Thủy đề xuất: Cần bổ sung quy định hỗ trợ cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; tăng mức thu phí vệ sinh môi trường trên cơ sở tính toán chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và trách nhiệm thực hiện các bên liên quan.

Xây dựng đơn giá dịch vụ công ích đối với thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong thiết kế và đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải quy mô cấp xã. Khuyến khích phát triển công nghệ xử lý chất thải tại hộ gia đình, phân loại, tái sử dụng chất thải tại nguồn để giảm thiểu chi phí vận chuyển và xử lý tập trung…

Ngoài ra, phải quan tâm đến mô hình xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bởi đến thời điểm này trên cả nước chưa có nhà máy nào về xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, mô hình này cần triển khai làm điểm tại một địa phương, từ đó nhân rộng ra toàn quốc.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm đến nguồn nước cho người dân nông thôn, đây cũng là một nội dung có khả năng thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Tố Loan

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/nong-thon-moi-khong-phai-la-thanh-tich-bao-cao-865858.html