Nông thôn mới vào cải lương

Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai vừa cho ra mắt vở diễn cải lương Tiếng gọi (tác giả NSƯT Quế Anh, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà) kể câu chuyện của những người trẻ trên hành trình chung sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Một cảnh trong vở cải lương Tiếng gọi. Ảnh: L.Na

Một cảnh trong vở cải lương Tiếng gọi. Ảnh: L.Na

Mặc dù đề tài xây dựng nông thôn mới trong văn học - nghệ thuật đã được văn nghệ sĩ quan tâm từ hơn 10 năm nay với hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa… ra đời, song với cải lương truyền thống, vở Tiếng gọi vẫn có nhiều điểm mới thu hút người xem.

* “Tiếng gọi” của quê hương…

Lấy bối cảnh một vùng quê nông thôn, Tiếng gọi tập trung kể câu chuyện của cô kỹ sư nông nghiệp tên Thanh cùng những thanh niên trẻ như Hải, Minh, Hoa… với ước mơ xây dựng quê hương, theo “tiếng gọi” của trái tim, bằng sự nỗ lực của bản thân để được đi du học. Hải trước khi lên đường tu nghiệp ở nước ngoài đã có tình yêu đẹp cùng nhiều hứa hẹn về tương lai tươi sáng với Thanh. Đối lập với sự chờ đợi của bố Hải và Thanh, sau khóa học, Hải không về nước như dự định ban đầu mà ở lại. Anh đã tìm được một tình yêu mới.

Ở một bối cảnh khác, bố Hải vì tức giận trước cách hành xử của con trai, một phần vì bị bệnh ung thư nên đã qua đời, tuyệt nhiên không cho Hải biết. Sau khi chia tay Hải, Thanh đến trạm khuyến nông của huyện vùng xa làm việc. Tại đây cô gặp Minh - lãnh đạo trạm khuyến nông từng có thời gian ra nước ngoài học tập rồi về quê cùng người dân xây dựng nông thôn mới. Trạm khuyến nông nơi Thanh làm việc đã lai tạo nhiều giống cây trồng mới, năng suất cao. Cũng tại nơi đây, Thanh được sống trong sự yêu thương của đồng nghiệp, tình đất, tình người bắt đầu “nở hoa”.

Hơn 1 năm sau ngày bố mất, Hải và vợ sắp cưới về nước, nghe những lời trăn trối của bố qua bản ghi âm ở điện thoại, anh vô cùng ân hận. Anh xin về trạm khuyến nông nơi Thanh công tác vừa làm việc vừa nghiên cứu đề án xây dựng nhà máy nông sản, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đề án sau khi trình lãnh đạo đã được thông qua. Kết thúc vở diễn là cảnh cô kỹ sư Thanh chia tay mọi người để tiếp tục con đường du học…

Mặc dù Tiếng gọi chưa đầy 90 phút nhưng khán giả có thể nhìn thấy từng ngóc ngách đời sống của người nông dân, đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của họ. Đan xen cùng những lớp vọng cổ đặc trưng của cải lương là những giai điệu hiện đại… khiến vở diễn tăng tiết tấu, tạo hứng khởi cho khán giả. Bên cạnh chuyện “làm nông” thời hiện đại còn lồng ghép câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình, bạn bè.

Nhạc sĩ Trần Tâm, Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh nhận xét: “Cao trào của vở cải lương là việc Hải không về nước dẫn đến việc bố anh chết đột ngột và những màn ghen tuông trong tình yêu. Nhiều tình huống có sự kết hợp hài hòa giữa cải lương và hài kịch tạo nên sức hấp dẫn cho khán giả. Bởi lâu nay, cải lương vốn được mặc định là những vở chính kịch dài “mùi mẫn”, nhưng khi xem Tiếng gọi lại thấy cải lương gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu và mang tính giải trí cao”.

* Nỗ lực của các nghệ sĩ

Xem vở cải lương Tiếng gọi, khán giả có thể bắt gặp các câu chuyện tương tự bất kỳ nơi đâu. Bên cạnh nội dung, vở diễn còn thành công ở khâu dàn dựng, khai thác khả năng diễn xuất, tài năng của nghệ sĩ. Các vai diễn được giao cho nhiều nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề khác nhau như: Trường Khải (vai ông Phú), Linh Khánh (vai ông Thành), Sang Sang (vai Thanh), Thành Vinh (vai Minh), Đông Nguyên (vai Hải), Băng Châu (vai Hoa), Hồng Gấm (vai bí thư huyện ủy)…

Một trong những vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong Tiếng gọi phải nói đến sự xuất hiện của Băng Châu (vai Hoa). Hoa chỉ là một nhân viên bình thường ở trạm khuyến nông nhưng có tính cách hơi bao đồng và ngang tàng. Những lời nói có phần bỗ bã, điệu bộ và tiếng cười sảng khoái của Hoa khiến khán giả phải chú ý bởi độ thật, thật đến mức hài hước.

Nghệ sĩ Đông Nguyên nói rằng, vai Hải mặc dù là người mang hai tính cách khác nhau nhưng cuối cùng Hải cũng biết hướng về quê hương với những điều tốt đẹp. Anh mong trong năm mới 2020 này, vở diễn sẽ đến được nhiều vùng nông thôn của Đồng Nai để người nông dân được chứng kiến cuộc sống của mình đi vào cải lương như thế nào. Từ đó, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống đang từng ngày thay da đổi thịt ở các miền quê; có thêm niềm vui và niềm tin vào cuộc sống, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng nhận xét: “Vở Tiếng gọi có nội dung mang tính giáo dục cao. Cảnh trí được sắp đặt khá đơn giản, không màu mè bắt mắt nhưng chính nét giản dị đó lại giúp khán giả tập trung hơn vào câu chuyện, không bị phân tán. Các phần chuyển cảnh cũng không còn rườm rà mà hoàn toàn dựa vào âm nhạc và ánh sáng. Điều này mang đến cho khán giả thêm một trải nghiệm mới trong sân khấu cải lương”.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai cho biết: “Việc chọn đề tài nông thôn mới hay các đề tài về xã hội đương đại vào cải lương là hướng đi đang được nhà hát lựa chọn, đan xen nhiều yếu tố khái quát và hài hước, hiện đại và truyền thống… Qua đó, tạo sự đột phá trên cơ sở gìn giữ, phát huy cải lương Đồng Nai thông qua những tác phẩm có tính thời sự, phản ánh đời sống và mang ý nghĩa giáo dục”.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/nong-thon-moi-vao-cai-luong-2979221/